Sau khi trái chiều vào đầu phiên giao dịch ngày 9/2, giá dầu thô Brent đã nhanh chóng quay ngược, cùng chiều tăng với dầu WTI khi thị trường tiếp nhận thông tin tồn kho dầu thô của Mỹ giảm gần 5 triệu thùng, nhu cầu nhiên liệu tăng lên mức cao nhất mọi thời đại và nguồn cung ngày càng eo hẹp.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/2, giá dầu Brent giao tháng 3 đã lấy lại được 77 cent, tương đương 0,9%, lên 91,55 USD/thùng; dầu thô WTI giao tháng 3 có thêm 30 cent lên 89,66 USD/thùng.
Giá dầu thế giới đã vượt ngưỡng 90 USD/thùng và đang hướng tới mốc 100 USD/thùng, dự báo sẽ tác động mạnh đến giá xăng dầu trong nước (Ảnh: TL) |
Trên Oilprice, lúc 6 giờ 20 phút ngày 10/2 (giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 3 được giao dịch ở mức tăng 0,31 cent, tương đương 0,35% lên 89,97 USD/thùng, gần tiệm cận mốc 90 USD/thùng. Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent giao tháng 3 ổn định ở mức 91,55 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô của nước này đã giảm 4,8 triệu thùng trong tuần trước xuống 410,4 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018, trong khi tổng sản lượng cung ứng - đại diện cho nhu cầu - đạt mức kỷ lục 21,9 triệu thùng/ngày trong 4 tuần qua.
Giá dầu tăng một phần bởi những lo ngại gia tăng về gián đoạn nguồn cung từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) - nơi đã phải hứng chịu các cuộc tấn công từ nhóm Houthi của Yemen, và từ Nga bởi sự hiện diện của hàng nghìn binh sĩ Nga gần biên giới Ukraine.
Trước đó, ông Dan Yergin, Phó chủ tịch Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit dự báo giá dầu có thể tăng lên mức 100 USD/thùng và neo ở đó trong vòng 3 năm.
Theo Phó chủ tịch IHS Markit, thị trường dầu mỏ đã xuất hiện "rất nhiều lo ngại" về nguy cơ tăng giá sau khi giá dầu thô gần đây vọt lên trên mức 90 USD/thùng, tăng gần 20% kể từ đầu năm nay và tăng hơn 60% kể từ đầu năm 2021.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (gọi chung là OPEC+) đã quyết định tăng nguồn cung cho thị trường thêm 400.000 thùng dầu mỗi ngày trong tháng 3.
Tuy nhiên, ông Yergin nhận định một số quốc gia sản xuất dầu mỏ sẽ gặp khó khăn để khôi phục mức sản xuất trước đó. "Không phải tất cả các quốc gia sản xuất dầu mỏ có thể quay trở lại mức sản lượng cũ do họ đã không đầu tư và thiếu bảo trì. Cho nên, họ sẽ không thể bổ sung ngay 400.000 thùng dầu mỗi ngày cho thị trường", Phó chủ tịch IHS Markit nói.
Ở diễn biến liên quan, Viện Dầu mỏ Mỹ (API) mới đây thông báo lượng tồn kho xăng của nước này đã giảm 1,138 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 4/2, trong khi tuần trước đó ghi nhận mức tăng 5,816 triệu thùng. Tồn kho các sản phẩm chưng cất cũng giảm 2,203 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 4/2, sau khi giảm 2,508 triệu thùng vào tuần trước đó. Dự trữ dầu thô của Mỹ hiện giảm khoảng 78 triệu thùng so với đầu năm 2021 và giảm khoảng 21 triệu thùng so với đầu năm 2020.
Với đà tăng sốc vừa qua của giá xăng dầu thế giới, dự báo trong kỳ điều hành giá ngày mai (11/2), giá xăng dầu trong nước sẽ tăng mạnh, và sẽ là lần tăng giá thứ 4 liên tiếp của xăng dầu trong nước.
Hiện tại (ngày 10/2), giá bán lẻ xăng dầu trong nước như sau: Xăng E5 RON 92 tối đa 23.595 đồng/lít; xăng RON 95: 24.360 đồng/lít; dầu diesel: 18.903 đồng/lít; dầu hỏa: 17.793 đồng/lít; dầu mazut: 16.993 đồng/kg.
Phương Linh