Cộng đồng doanh nghiệp lớn của EU đang tìm hiểu thị trường Việt Nam để lựa chọn đầu tư. |
Tại tọa đàm “Chính sách thuế và thủ tục hải quan khi thực hiện EVFTA”, được tổ chức ngày 2/7, các chuyên gia nhận định EU là thị trường có thặng dư thương mại thứ hai của Việt Nam, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được thực thi sẽ tạo cơ hội thúc đẩy xuất khẩu lớn cho Việt Nam vào thị trường này, tuy nhiên không phải không có thách thức.
Thúc đẩy xuất khẩu cho doanh nghiệp
Theo ông Hà Duy Tùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, với EVFTA, EU sẽ xóa bỏ đến hơn 85% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
“Từ trước đến nay, chưa có một đối tác nào cam kết ở mức cao như vậy. Hầu hết các mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam như da giày, dệt may... lộ trình xóa bỏ thuế quan trong vòng 7 năm với mức xóa bỏ dần hàng năm. Điều này sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp có cơ hội tăng giá trị xuất khẩu”, ông Tùng nói và cho rằng EVFTA sẽ đem lại giá trị gia tăng về GDP cho nền kinh tế nói chung và cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho từng doanh nghiệp.
Cụ thể hơn, theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), EU là thị trường có thặng dư thương mại thứ hai của Việt Nam. Với cam kết về giảm thuế xuất nhập khẩu của Hiệp định EVFTA, sau 7 năm là gần như toàn bộ các mức thuế đều về 0%.
Như vậy, cơ hội cho xuất khẩu hàng hoá Việt Nam là rất rõ. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.
Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.
Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 - 3,25% (năm 2019 - 2023); 4,57 - 5,30% (năm 2024 - 2028) và 7,07 - 7,72% (năm 2029 - 2033).
Cũng theo ông Khanh, mặc dù hiện tại EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, thị phần hàng hóa của Việt Nam tại khu vực này vẫn còn rất khiêm tốn, bởi năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam (đặc biệt là năng lực cạnh tranh về giá) còn hạn chế.
Vì vậy, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa Việt Nam tại thị trường quan trọng này
“Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP)”, ông Khanh nhấn mạnh.
Gia tăng thu hút FDI từ EU
Riêng ở góc độ thu hút đầu tư, ông Ngô Chung Khanh nhận định, môi trường đầu tư mở hơn và thuận lợi hơn, triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn sẽ thu hút đầu tư FDI từ EU vào Việt Nam nhiều hơn.
Dù vậy, lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên nhấn mạnh cũng nên thận trọng khi nhìn nhận vấn đề này bởi trước đây với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đánh giá khi có hiệu lực sẽ làm tăng thu hút FDI nhưng sau một năm CPTPP có hiệu lực, tổng kết lại cho thấy thu hút đầu tư theo chiều giảm xuống.
“Việt Nam đang trong tâm thế đón đại bàng làm tổ nhưng đón được hay không, lan tỏa đầu tư đến đâu thì khó đưa ra nhận định chắc chắn. Tuy nhiên, tôi cảm nhận với EVFTA thu hút đầu tư sẽ tăng, khác với CPTP”, ông Khanh nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch EuroCham cho rằng đối với EVFTA, hưởng lợi không phải chỉ doanh nghiệp EU hay Việt Nam mà kể cả nước thứ 3, nếu đáp ứng được quy tắc xuất xứ thì họ cũng được hưởng lợi. Khi họ nhìn thấy lợi ích xuất khẩu sang thị trường EU thì sẽ có xu hướng đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn.
Tuy nhiên, xu hướng dịch chuyển FDI sẽ không phải thật nhanh, nhất là trong khối doanh nghiệp EU. “Cộng đồng doanh nghiệp lớn của EU đang hiện diện và chưa hiện diện tại Việt Nam nắm bắt được xu hướng dịch chuyển là có, họ đang tìm hiểu, chỉ là lựa chọn điểm đến nào. Tại ASEAN các doanh nghiệp EU sẽ cân nhắc Việt Nam, Indonesia, Thái Lan. Có thể nói Việt Nam đang là mục tiêu hàng đầu nhưng dịch chuyển đầu tư sẽ mất thời gian nữa”, ông Nguyễn Hải Minh nói.
Tuy nhiên, theo ông Minh, thách thức thủ tục hành chính vẫn còn nhiều. Xét về tổng thể, các doanh nghiệp châu Âu ở Việt Nam đánh giá Việt Nam đang trong quá trình cải cách rất nhanh. Nhưng hiện nay vẫn còn vướng mắc thủ tục liên quan nhiều bộ ngành chưa giải quyết được.
“Một số doanh nghiệp nhập khẩu khuôn đúc về Việt Nam đã qua sử dụng, có bị coi là máy móc, dây chuyền công nghệ để cấm nhập khẩu vào Việt Nam hay không; Hay một số mặt hàng thiết bị y tế nhập khẩu có cần một số xác nhận của Bộ Y tế?”, ông Minh băn khoăn.
Hoàng Hà