Tại Hội thảo Tận dụng hiệu quả hiệp định EVFTA do Bộ Công Thương tổ chức ngày 29/6, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), cho biết đa phần doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) thủy sản nhận định, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ đem đến cơ hội, nhưng cũng có không ít thách thức.
Nhiều khó khăn ngáng đường doanh nghiệp
Tuy nhiên, ông Nam cho biết, hiện DN thủy sản đang vướng phải câu chuyện giữa sơ chế và chế biến. Cụ thể, do mặt hàng thủy sản được xếp vào loại sơ chế nên phải nộp thuế thu nhập DN 20%.
Thủy sản là ngành được đánh giá hưởng lợi lớn khi EVFTA chính thức được thực thi (Ảnh: TL) |
"Điều này không công bằng với chúng tôi. Ngành hàng gạo chỉ trải qua 3 - 4 công đoạn chế biến, nhưng DN XK gạo được nộp thuế thu nhập 10%, ở những vùng khó khăn là 0%. Trong khi đó, DN thủy sản sử dụng nhiều công nghệ, quy mô lớn hơn, trải qua 8 - 16 bước chế biến lại đang phải nộp thuế cao hơn", ông Nam chia sẻ.
Theo ông Nam, EVFTA được ví như đại lộ, cao tốc nhưng dù là thỏ hay rùa muốn đi nhanh đều phải có sức khỏe tốt.
Trong khi đó, với các DN XK gạo, việc tận dụng EVFTA cũng không hề dễ dàng. Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng Giám đốc CTCP kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh, nêu ra một thực tế mà DN này đang gặp phải là xây dựng vùng nguyên liệu rất khó khăn. DN phải đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng các vùng lúa gạo đặc sản nhưng có sự việc là đến vụ thu hoạch, người dân lại bán cho thương lái.
"Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm sâu hơn, hỗ trợ DN sản xuất lúa gạo đặc sản, từ đó xây dựng củng cố vững chắc vùng nguyên liệu sản xuất", bà Hiếu chia sẻ.
Mặt khác, Nhà nước hỗ trợ DN đẩy mạnh xây dựng thương hiệu gạo của Việt Nam. DN XK gạo mong muốn gạo Việt Nam không phải bán với giá 300 - 400 USD/tấn, mà lên 1.000 USD/tấn. Đặc biệt, gạo XK phải mang thương hiệu gạo Việt Nam.
Đặc biệt, nhiều DN phản ánh gặp khó khăn trong việc xin giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). Đại diện DN xuất khẩu đồ gỗ cho biết, DN này đang xuất khẩu qua Mỹ, Trung Đông, EU, quá trình xin cấp C/O rất mất thời gian. Xin cấp C/O qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thường mất tới 2,5 tháng, trong khi hàng XK đi Mỹ, EU mất khoảng 28 ngày. Điều đó dẫn tới hàng hóa đến cảng phải nằm ở kho chờ thông quan do chưa được cấp C/O.
"Có những lô hàng, DN chấp nhận chịu lỗ toàn bộ, nộp tiền thuế nhập khẩu cho khách để hàng của mình không phải bị lưu kho", đại diện DN trên cho biết.
Vì vậy, cộng đồng DN mong muốn Chính phủ, bộ ngành, địa phương cùng đồng hành với DN để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc.
Đừng để DN nước ngoài lấy đi cơ hội
Về phía các bộ ngành, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, cho biết Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Hiện, Bộ Công Thương đã tiến hành nhiều đổi mới trong cách thức tuyên truyền Hiệp định, như thiết lập mạng xã hội chuyên về FTA để cập nhật, trao đổi với DN những thông tin liên quan.
Tuy nhiên, ông Khanh bày tỏ quan ngại về sự thiếu quan tâm của các DN Việt Nam tới EVFTA. Vụ này nhận được rất ít câu hỏi kiểu như: DN đang hoạt động trong ngành nào, vướng quy tắc xuất xứ ra sao, phải làm gì để hưởng ưu đãi...
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế, thương mại nước ta trong thời gian qua. Về thương mại, tính đến hết tháng 5/2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước giảm 2,8%, trong đó XK giảm 0,9% và NK giảm 4,6%. Nếu tính riêng tháng 4/2020, XK giảm 27,1% và nhập khẩu giảm 16,4% so với tháng trước, giảm 13,9% và 11,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong bối cảnh đó, Hiệp định EVFTA khi được đưa vào thực thi sẽ giúp tạo thêm động lực cho các DN Việt Nam phục hồi và phát triển hoạt động kinh doanh của mình. Với EVFTA, DN Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường gần 460 triệu dân có GDP bình quân hơn 35.000 USD/người với mức thuế bằng 0 ngay từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực cho hơn 85% số dòng thuế.
Ngoài ra, các DN còn có thể tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.
Tuy nhiên, để hiện thức hóa các cơ hội như vậy, ông Khánh cho rằng: Chính phủ và các DN còn khá nhiều việc phải chuẩn bị. Về phía Chính phủ, các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan cần nhanh chóng hoàn tất kế hoạch thực thi cũng như ban hành các văn bản pháp luật cần thiết, đồng thời tăng cường công tác đối thoại, trao đổi với cộng đồng DN nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, các DN cũng cần chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng nội dung của Hiệp định, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, tài lực cũng như các điều kiện cần thiết khác để có thể đáp ứng được các yêu cầu không chỉ của Hiệp định mà của cả thị trường EU.
"DN Việt Nam đừng thờ ơ với cơ hội, đừng để DN nước ngoài đến Việt Nam lấy đi cơ hội của chính mình. Muốn vụ mùa EVFTA bội thu, doanh nghiệp phải ra đồng sớm", ông Khánh nhấn mạnh.
EU dành hạn ngạch thuế quan cho 14 mặt hàng của Việt Nam Trong khuôn khổ EVFTA, EU cam kết dành hạn ngạch thuế quan (TRQ) cho Việt Nam đối với 14 mặt hàng. Cụ thể gồm: trứng và lòng đỏ trứng gia cầm; tỏi; ngô ngọt; gạo đã xát; gạo đã xay; gạo đã xay thuộc một số loại gạo thơm nhất định; tinh bột sắn; cá ngừ; surimi; đường và các sản phẩm khác chứa hàm lượng đường cao; đường đặc biệt; nấm; ethanol; Mannitol, Sorbitol, Dextrin và các dạng tinh bột biến tính khác. Bộ Công Thương nêu rõ, về cơ chế TRQ đối với mặt hàng gạo trong Hiệp định EVFTA, đầu mối phía EU là đơn vị G.4 (cây trồng và dầu ô liu) thuộc Tổng cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các lô hàng gạo thơm khi XK vào thị trường EU phải tuân thủ theo quy định thực thi của EU về việc mở và tiếp nhận TRQ nhập khẩu cho gạo có xuất xứ từ Việt Nam. DN sẽ cần xin cấp giấy phép nhập khẩu tại cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên và phải nộp một số tiền bảo đảm là 30 Euro/tấn tại thời điểm nộp đơn xin cấp giấy phép. Đối với các mặt hàng còn lại trong EVFTA, đầu mối phía EU là Tổng cục Thuế và Hải quan. TRQ sẽ được phân bổ và quản lý theo quy định tại Điều 49 đến 54 của Quy định thực thi (EU) 2015/2447. |
Lê Thúy