Thống kê của cơ quan quản lý cho biết, cả nước hiện có 9.000 chợ, 800 siêu thị, 130 trung tâm thương mại và khoảng 4.000 siêu thị mini, cửa hàng tự chọn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hệ thống thương mại hiện đại khá rộng lớn, ngày càng phát triển, song hàng Việt vẫn chật vật khi tiếp cận.
Khó vào kênh phân phối hiện đại
Sở dĩ hàng Việt khó vào kênh bán lẻ hiện đại một phần là do chất lượng, thương hiệu hàng hóa chưa đủ tầm, mẫu mã cũng như tính ổn định của sản phẩm Việt rất hạn chế. Đồng thời, liên kết giữa khâu sản xuất và phân phối còn lỏng lẻo.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một trong những lý do không thể không đề cập là do phía siêu thị, cửa hàng tiện lợi đưa ra mức chiết khấu khá cao.
Được biết, hiện nay, tỷ lệ nông sản sạch vào các hệ thống thương mại hiện đại chỉ chiếm 7-10%. Như vậy nghĩa là còn tới 80-90% hàng hóa nông sản được bán tự do ở các chợ, cửa hàng bán lẻ và hàng rong.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho biết nhiều đơn vị phân phối đưa ra mức chiết khấu rất cao. Mức chiết khấu thông thường lên tới 25-30%, cộng với những chi phí bất hợp lý khác. Thực tế này làm nhiều nhà cung ứng không chịu nổi.
"Nhiều siêu thị có doanh số bán lớn, có quyền quyết định đã gây sức ép cho nhà cung ứng. Ví dụ, 10 đơn vị gửi rau vào siêu thị thì chỉ 1-2 đơn vị được chọn. Đây là những đơn vị chịu chi chiết khấu cao. Thậm chí, khi đã bán hết hàng, siêu thị còn dùng chiêu "kế toán đi vắng" để trì hoãn việc thanh toán cho nhà cung ứng, nhằm chiếm dụng vốn", ông Phú nói.
Nhiều hàng Việt không thể vào kênh phân phối hiện đại do phải chịu mức chiết khấu cao |
Không để lũng đoạn thị trường bán lẻ
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp.HCM, khi tiếp cận với các hệ thống phân phối bán lẻ – siêu thị, trở ngại lớn nhất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước là không thể chào hàng các sản phẩm mới vì mức chiết khấu còn khá cao 15-25%, nên các DN sẽ phải đẩy giá cao hơn so với bên ngoài 15-30% mới đảm bảo lợi nhuận.
Điều đó làm sức cạnh tranh của hàng Việt bị suy giảm, khó cạnh tranh với hàng hóa của các nước khác, điển hình như hàng Thái Lan tại thị trường trong nước.
Đặc biệt, việc hàng hóa đạt tiêu chuẩn phải trầy trật vào siêu thị về lâu dài còn triệt tiêu động lực sản xuất chân chính. Ông Phú nhấn mạnh, nói rộng trong câu chuyện này là vấn đề chiết khấu, vấn đề kinh tế chia sẻ, là thương mại công bằng ở Việt Nam giữa người mua và người bán, giữa sản xuất và phân phối. Hiện nay, còn rất nhiều việc phải bàn ở khâu phân phối, bán lẻ nhằm tránh lũng đoạn ngành bán lẻ.
Báo cáo của Chính phủ mới đây cũng yêu cầu cần phát huy vai trò của thị trường trong nước là một động lực phát triển; không để tình trạng lũng đoạn thị trường bán lẻ.
Trước thực trạng này, Bộ Công Thương cho biết sẽ nghiên cứu xây dựng quy chế quản lý tại các siêu thị, trung tâm thương mại và kênh phân phối truyền thống tại thị trường Việt Nam, đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước của ngành công thương.
Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được phân công theo kế hoạch hàng năm của Ban Chỉ đạo Trung ương về Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 17/9/2012 về tăng cường thực hiện Cuộc vận động…
Thy Lê