Đây là cảnh báo được đưa ra trước khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc xảy ra. Vậy ngành nông sản nói riêng và Việt Nam đã đối phó với thực trạng này như thế nào?.
Ông Nguyễn Công Thừa - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Anh Dao Co.op), cho biết việc hàng nông sản Trung Quốc xuất qua Việt Nam là chuyện bình thường, diễn ra từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, thời gian gần đây, từ khi cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc xảy ra, số lượng nông sản Trung Quốc xuất sang Việt Nam nhiều hơn.
Nông sản Việt bị giả mạo
Như tỉnh Lâm Đồng hiện nay, về số lượng, nông sản Trung Quốc tăng gấp 3 lần so với trước. Về mã hàng, tăng gấp 2 lần so với trước (tăng thêm 7 - 8 mặt hàng). Trước đây khoai tây, cà rốt, hành tây là những mặt hàng nông sản Trung Quốc xuất sang Việt Nam nhiều nhất, giờ có thêm cả bông cải xanh, cà chua...
Thậm chí thời gian vừa qua, tình trạng nông sản Trung Quốc đội lốt nông sản Đà Lạt đã khiến giá nông sản Đà Lạt rớt thê thảm.
Hay mới đây, trong văn bản vừa gửi tới Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết đang xuất hiện ngày càng nhiều nông sản Trung Quốc đội lốt nông sản Việt, như nho Trung Quốc mạo danh nho Ninh Thuận; mận, đào Trung Quốc đội lốt đào Pháp Bắc Hà (Lào Cai); khoai tây Trung Quốc mạo danh khoai tây Đà Lạt. Các loại nông sản mạo danh này ngang nhiên tiêu thụ ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM...
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, việc đội lốt hàng Việt Nam đang diễn ra với hai hình thức, là hàng nước ngoài nhập khẩu sau đó trộn cùng với nông sản Việt Nam để bán ra thị trường và thay mác thành hàng Việt Nam. Đây là gian lận thương mại trong kinh doanh.
Theo cơ quan quản lý, tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam đang còn e ngại đối với nông sản xuất xứ từ Trung Quốc, nên việc tiêu thụ các mặt hàng này rất khó khăn.
Song do mẫu mã đẹp và giá thành lại rẻ hơn so với trong nước, nên bất chấp quy định của pháp luật, nhiều thương nhân Việt Nam vẫn nhập hàng nông sản Trung Quốc về và gắn mác, hoặc trộn lẫn để thu lợi nhuận cao.
Ngày càng nhiều nông sản Trung Quốc đội lốt nông sản Việt Nam |
Cần kiểm soát tốt nhập khẩu
Trong khi đó, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều loại hàng hóa nông sản tương đồng, nên việc phát hiện hàng hóa đội lốt nông sản Việt Nam là rất khó nhận biết. Do vậy, cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đơn vị thì mới phân biệt được hàng hóa gắn mác hoặc pha trộn nông sản Việt Nam.
Trước thực tế trên, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng để tăng cường phòng, chống hàng hóa nhập lậu vào Việt Nam.
Đồng thời, đại diện HTX, ông Nguyễn Công Thừa, kiến nghị cơ quan quản lý phải thiết lập hàng rào phi thuế quan với các hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nông sản Trung Quốc sang Việt Nam.
Đặc biệt trong bối cảnh nhiều nông sản Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, thiếu hệ thống chỉ dẫn địa lý, Bộ Công Thương cần phối hợp với các bộ ngành, địa phương triển khai các chương trình hỗ trợ xây dựng và bảo hộ thương hiệu cho các loại nông sản Việt Nam.
Theo các chuyên gia, việc hàng Trung Quốc không xuất khẩu được sang Mỹ sẽ “tấn công” sang Việt Nam là khó tránh khỏi. Không những cạnh tranh ở thị trường trong nước, nhiều mặt hàng của Trung Quốc sẽ đột lốt hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu. Nếu điều này xảy ra, uy tín hàng Việt sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và Mỹ sẽ có những biện pháp thẳng tay trừng trị lên hàng Việt.
Trong bối cảnh đó, theo các chuyên gia, Việt Nam cần kiểm soát tốt nhập khẩu bằng các hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp, phấn đấu thương mại bền vững.
Trong báo cáo của Chính phủ gửi tới các Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu, cơ quan quản lý thị trường cần phải nâng cao hoạt động không chỉ ở vai trò điều tiết giá cả mà cả phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Thy Lê