Với nguyên nhân bàn giao mặt bằng theo yêu cầu của phía đối tác cho thuê, siêu thị Co.opmart Đinh Tiên Hoàng (thuộc hệ thống Saigon Co.op) ở đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh (Tp. HCM) sẽ phải đóng cửa từ ngày 25/10.
Dù biết đó là việc chẳng đặng đừng với một nhà bán lẻ nội địa có tiềm lực mạnh như Saigon Co.op (vốn vẫn đang tiếp tục mở rộng chuỗi bán lẻ), nhưng điều này vẫn làm nhiều người luyến tiếc vì đây là địa điểm mua sắm quen thuộc từ rất lâu và thuộc loại đắt khách hàng đầu của hệ thống Co.opmart, doanh thu tại điểm siêu thị này được cho là đến 2 tỷ đồng/ngày.
Tranh nhau mặt bằng đẹp
Trong khi đó, có thông tin cho rằng một "ông lớn" khác trong ngành bán lẻ nội địa sẽ đầu tư mở trung tâm mua sắm lớn trên con đường đắc địa này để lấp vào chỗ trống của Co.opmart Đinh Tiên Hoàng.
Mặt bằng đẹp có thể thu hút nhiều khách hàng luôn là vấn đề được các nhà bán lẻ nội địa ưu tiên lựa chọn khi khối bán lẻ ngoại đang tận dụng triệt để lợi thế này. Nguồn cung mặt bằng cho ngành bán lẻ hiện đại ở các trung tâm đô thị lớn cũng thể hiện rõ điều đó.
Như nhận định mới đây từ một báo cáo tổng quan về thị trường mặt bằng ngành bán lẻ ở Việt Nam trong quý III/2018, nhu cầu tiếp tục khả quan trong bối cảnh giá thuê có giảm nhẹ (giá thuê toàn thị trường đạt khoảng 46,2 USD/m2/ tháng, giảm 0,2% theo quý và 0,7% theo năm).
Theo đó, tính đến cuối quý III/2018, tổng nguồn cung trung tâm thương mại tại Tp.HCM đạt 989.403m2, tăng 2,8% theo quý và 15,3% theo năm. Điển hình trong quý này là Vincom Center Landmark 81 đã cung cấp cho thị trường hơn 46.000m2 sàn bán lẻ.
Báo cáo này cũng có điểm đáng lưu ý là việc bùng nổ trung tâm mua sắm ở vùng ven khi Tp.HCM đã có thêm cả trăm nghìn mét vuông sàn thương mại mới nằm ngoài khu trung tâm từ quý III đến cuối năm 2018. Điểm nhấn là sự bùng nổ các khu mua sắm mới không phải ở khu CBE (central business district – trung tâm) mà dạt ra các quận xa hơn.
Quan sát sự chuyển động trên, giới phân tích nhận định rằng các mô hình bán lẻ hiện đại như siêu thị cỡ vừa – nhỏ, cửa hàng tiện lợi sẽ tiếp tục đà phát triển mạnh trong thời gian tới, tương ứng với các đặc điểm phát triển của quy mô tiêu dùng Việt Nam (chủ yếu là tiêu dùng thành thị – nơi diện tích hạn chế, tiêu dùng trẻ – có nhu cầu về sự thuận tiện và khoảng cách gần). Điều này cũng nằm trong thông lệ phát triển thị trường bán lẻ của nhiều nước trong khu vực.
Một cuộc thăm dò cho thấy các doanh nghiệp (DN) bán lẻ nội địa sẽ không hoạt động co cụm ở chỉ một điểm bán lẻ duy nhất mà 1/4 số DN có nhiều hơn 10 điểm bán lẻ. Các DN bán lẻ Việt đã bắt đầu mở rộng về quy mô, phát triển theo chuỗi. Điều đó phần nào phản ánh tính chuyên nghiệp hóa dần dần của các DN cũng như hiệu quả kinh doanh.
Mặt bằng đẹp sẽ thu hút nhiều khách hàng |
Chờ gì ở chính sách?
Riêng với mặt bằng của các cửa hàng tiện lợi, bà Châu Ngọc Hạnh, quản lý cao cấp công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, nhận định sẽ tiếp tục sôi động khi các chuỗi hiện tại tiếp tục mở thêm cửa hàng.
Đặc biệt là các chuỗi mới từ nước ngoài vào thị trường Việt Nam như 7-Eleven (Nhật Bản), L-speed, GS25 (Hàn Quốc), Bs Mart (Thái Lan)… với mục tiêu 10 năm tới sẽ đạt 1.000 – 3.000 cửa hàng.
Trước xu hướng của các nhà bán lẻ ngoại, nhiều nhà bán lẻ nội địa như Saigon Co.op, Vingroup, Satra, Thế giới Di động… cũng không thể ngồi ngoài nhìn. Họ đang tích cực tìm mặt bằng cho các chuỗi cửa hàng như Cheer, Co.op Food, Co.opSmile (Saigon Co.op), Satrafood (Satra), Bách Hóa Xanh (Thế giới Di động), Vinmart+ (Vingroup).
Như Satra, hồi năm ngoái, tổng số mặt bằng cửa hàng bán lẻ thuộc loại hình khác nhau của nhà bán lẻ nội địa này đã lên con số 172. Satra cũng triển khai phương án kinh doanh nhượng quyền thương hiệu Satrafood nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển chuỗi cửa hàng này làm nền tảng nâng cao hiệu quả kinh doanh của toàn chuỗi bán lẻ.
Trên thực tế, đối với đa số các mô hình bán lẻ thông dụng trên thị trường Việt hiện nay, mặt bằng vẫn luôn là yếu tố có ý nghĩa quan trọng đối với hiệu quả kinh doanh. Điều này được cho là đúng ngay cả với các trường hợp DN bán lẻ có sử dụng phương thức bán hàng qua mạng.
Theo lưu ý của Ts. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, lâu nay, khi nói tới mặt bằng kinh doanh trong ngành bán lẻ, nhiều DN nội trong ngành cho rằng giá thuê mặt bằng cao khiến cho họ không có cơ hội tiếp cận các mặt bằng lý tưởng cho hoạt động bán lẻ.
Trong khi đó, yếu tố về giá thuê mặt bằng vốn thuộc về thị trường, bản thân DN bán lẻ cũng như Nhà nước đều khó có thể can thiệp để giảm giá thuê. Vì vậy, để nâng sức cạnh tranh của khối bán lẻ nội, giới chuyên gia khuyến nghị yếu tố về chính sách đối với địa điểm thuê cũng như cách thức hành xử của các cơ quan quản lý tại mặt bằng cho thuê là rất quan trọng.
Đây cũng chính là không gian để Nhà nước có thể hành động, qua đó hỗ trợ DN bán lẻ nội giải quyết một phần bất cập liên quan tới khía cạnh mặt bằng bán lẻ trong thời gian tới để không lép vế trước khối bán lẻ ngoại.
Thế Vinh