Bộ Công Thương vừa có báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó có vấn đề về sản xuất, cung ứng, nhập khẩu xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua.
Từ tháng 4, chưa rõ khả năng giao hàng của Lọc dầu Nghi Sơn
Bộ Công Thương cho biết thời gian qua gặp phải khó khăn trong sản xuất, nhập khẩu và cung ứng xăng dầu.
Giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành ngày 11/3 so với đầu năm 2022 chỉ tăng từ 24,91% - 39,56%. |
Cụ thể, trong nước, từ đầu tháng 1 và tháng 2/2022, do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cắt giảm sản lượng sản xuất xuống mức 55-80% công suất và có thời gian gặp sự cố kỹ thuật nên phải ngừng sản xuất. Vì vậy, không bảo đảm việc cung cấp xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo các hợp đồng đã ký, đã ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước.
Theo báo cáo của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, từ đầu tháng 1/2022, Nhà máy đã giảm công suất từ mức 100% xuống mức 80% và sau đó chỉ ở mức 55-60% công suất.
Do cắt giảm công suất sản xuất nên việc giao hàng thực tế cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước trong tháng 2/2022 đã bị giảm 50% so với kế hoạch (kế hoạch giao là 739.900 m3, nhưng thực tế chỉ giao được 365.200 m3; trong đó xăng giảm 40% và dầu DO giảm 58%), tháng 3 giảm 20% so với kế hoạch (kế hoạch giao 680.000 m3 nhưng dự kiến giao hàng chỉ là 556.000 m3 trong đó xăng giảm 5%, dầu giảm 30%).
Theo báo cáo của Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, do nguồn cung xăng dầu trong nước giảm nên từ cuối tháng 1/2022, Nhà máy đã nâng công suất lên 103% và từ ngày 7/2/2022 đã nâng công suất lên 105%. Theo đó, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ cung cấp cho thị trường 350.000 m3 xăng và 270.000 m3 dầu mỗi tháng. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết mức tăng thêm 5% (tương đương 28.000 m3 xăng dầu) chưa đủ bù đắp lượng thiếu hụt do Nhà máy Nghi Sơn giảm công suất).
Do vậy, Bộ Công Thương cho biết tháng 3, lượng cung xăng dầu cho thị trường từ nguồn trong nước vẫn thấp so với các tháng thông thường do lượng cung ứng xăng dầu từ sản xuất trong nước tiếp tục giảm (nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn tiếp tục giảm công suất). Dự kiến tháng 3 giảm so với kế hoạch 20%, chỉ cung cấp được khoảng 80% kế hoạch theo tháng (kế hoạch giao 680.000 m3 nhưng dự kiến giao hàng là 556.000 m3, trong đó xăng giảm 5%, dầu giảm 30%).
Tuy nhiên, tồn kho từ tháng 2/2022 chuyển sang cùng với việc các thương nhân đầu mối tiếp tục nhập khẩu xăng dầu theo kế hoạch đã được Bộ Công Thương phân giao từ đầu năm 2022 và nhập khẩu bổ sung để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước theo chỉ đạo của Bộ nên nguồn cung cho xăng dầu trong nước tháng 3 sẽ cơ bản được đáp ứng đủ.
Hiện nay, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5, đặc biệt sau tháng 5 cũng chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất của Nhà máy.
Vì vậy, ngày 22/2/2022, Bộ Công Thương đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để đánh giá thực trạng khả năng sản xuất, cung ứng xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và thống nhất trước mắt, kịch bản điều hành nguồn cung xăng dầu quý II/2022 cho thị trường trong nước không bao gồm nguồn cung từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Giá xăng dầu trong nước tăng thấp hơn thế giới
Về công tác điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương giải thích trước diễn biến tăng liên tục của giá xăng dầu thế giới trong tháng 1/2022 và kỳ điều hành giá ngày 1/2/2022 trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán nên theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sẽ được chuyển sang kỳ điều hành tiếp theo (ngày 11/2/2022). Ngày 28/1/2022, Bộ Công Thương đã có Công văn số 37/BCT-TTTN về bảo đảm nguồn cung xăng dầu tại thị trường trong nước, theo đó Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Công Thương lựa chọn thời điểm điều hành giá xăng dầu phù hợp để giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Đồng thời, tại cuộc họp ngày 8/2/2022 do lãnh đạo Chính phủ chủ trì về bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương cũng đã nêu vấn đề về việc điều hành sớm giá xăng dầu. Tuy nhiên, sau khi nghe ý kiến của một số Bộ, ngành, xét việc điều hành sớm trong giai đoạn Tết Nguyên đán (nhu cầu hàng hóa, đi lại tăng cao) sẽ ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý người dân vào giai đoạn đầu năm mới âm lịch, ảnh hưởng đến doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho sản xuất, kinh doanh và tác động lớn đến CPI cả nước nên Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương thực hiện điều hành giá xăng dầu theo đúng thời gian quy định tại Nghị định số 95/2022/NĐ-CP (kỳ điều hành vào ngày 11/2/2022).
Từ kỳ điều hành giá xăng dầu đầu năm 2022 (ngày 11/1/2022) đến kỳ điều hành ngày 11/3/2022 đã có 6 kỳ điều hành giá (đều tăng giá). Giá xăng dầu các loại đến kỳ điều hành ngày 11/3/2022 so với kỳ điều hành ngày 11/1/2022 tăng từ 4.625 - 7.030 đồng/lít/kg (tùy loại xăng dầu), tương đương tăng từ 24,91% - 39,56%.
"Nhằm hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương - Bộ Tài chính đã quyết định liên tục chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với mức chi từ 100 - 1.500 đồng/lít tùy loại) nhằm giữ ổn định giá xăng dầu trong nước, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới", Bộ Công Thương cho biết.
Cụ thể, giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 11/3/2022 so với đầu năm 2022 biến động tăng từ 44,01% - 60,02% nhưng giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành ngày 11/3/2022 so với đầu năm 2022 chỉ tăng từ 24,91% - 39,56%.
Theo Bộ Công Thương, việc điều hành giá xăng dầu thông qua sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường ngay từ đầu năm 2022, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhật Linh