Tại Toạ đàm: "Làm gì khi giá xăng dầu tăng kỷ lục", được tổ chức ngày 14/3, ông Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam phân tích, hiện nay Việt Nam đang điều hành giá xăng theo theo chu kỳ (điều chỉnh 10 ngày/lần), trong khi giá dầu thế giới điều chỉnh vận động theo hàng ngày, hàng giờ.
Nếu không sửa cơ chế điều hành sẽ còn câu chuyện bất ổn
Cụ thể, cách tính giá hiện nay đang được tính theo phương thức 5 – 1 – 5, tức là lấy giá của 5 ngày trước, 1 ngày xuống tàu và khi thanh toán lấy giá 5 ngày sau, bình quân lại làm giá thanh toán.
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân khiến giá xăng dầu tăng sốc do đang được "vận hành ngược". |
"Như vậy, chúng ta đang lấy giá bình quân của chu kỳ 10 ngày trước là 1 giá để tính giá cho chu kỳ 10 ngày sau. Nhưng trong chu kỳ 10 ngày sau giá thế giới lại lên dần từ 1,5; 2; 2,5... dẫn đến tính trạng doanh nghiệp càng mua càng lỗ, vì không đuổi kịp giá thế giới".
Ví dụ, nếu giá tăng chu kỳ vào dịp lễ Tết thì Bộ Công thương sẽ điều chỉnh lùi lại cho chu kỳ sau (tức là 20 ngày nữa mới điều chỉnh). Khi giá xăng dầu trong nước đi sau thế giới sẽ phải đuổi theo để kịp theo nhịp tăng trưởng của thế giới. “Đây là nguyên nhân gây ra hiện tượng tăng giá xăng dầu quá cao gây ra bất ổn", ông Thỏa cho hay.
Hơn nữa, cách tính này cũng là lời giải cho câu hỏi vì sao doanh nghiệp càng mua càng lỗ, càng nhập càng lỗ, càng bán càng lỗ. “Nó nằm ở chính cơ chế này, lấy giá của chu kỳ trước áp cho chu kỳ sau trong bối cảnh giá thế giới biến động theo chiều hướng đi lên, không chờ mình", ông Thoả nói.
Khi quan hệ cung cầu mất cân đối sẽ dẫn tới những phản ứng tiêu cực của thị trường như tình trạng găm hàng, giữ hàng để chờ điều chỉnh giá tăng cao mới bán hàng, dẫn đến đứt gãy nguồn cung làm cho tình hình thị trường biến động bất ổn như trong thời gian qua.
"Nếu không sửa cơ chế điều hành giá xăng dầu thì vẫn sẽ tiếp tục xảy ra câu chuyện bất ổn nếu giá thế giới tăng", Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh những "nút thắt" nêu trên, còn có vấn đề là cạnh tranh giá chưa có, cạnh tranh trong kinh doanh chưa có. Hiện nay, thị trường xăng dầu đang có những "ông lớn" chiếm lĩnh thị trường, do đó, khi họ chiếm lĩnh họ sẽ chủ động được về giá, thậm chí làm giá theo cơ chế thị trường. Thêm đó, là cơ chế điều hành giá đã đẩy thị trường hỗn loạn.
Mấu chốt đảm bảo nguồn cung
Vậy làm gì để giảm thiểu tác động của giá xăng dầu thế giới và bình ổn giá xăng dầu trong nước? Các chuyên gia cho rằng, quan trọng nhất là không để thị trường thiếu hụt và kiềm chế sự tăng giá chóng mặt của xăng dầu.
Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho rằng, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, bộ, ngành liên quan tăng cường theo dõi sát diễn biến giá dầu, trong đó cần tính toán tác động của kịch bản giá dầu ở mức 90-100 USD/thùng, tăng bình quân 30-40% so với năm 2021 để có những biện pháp ứng phó phù hợp.
Bên cạnh đó, nâng cao và đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu dài hạn. Ông Lực cho rằng, hiện nay Việt Nam đang bị đứt gãy nguồn cung đó là nhà máy lọc dầu Nghi Sơn – chiếm 35% thị phần của toàn thị trường nhưng lại giảm công suất nên lượng cung giảm rất lớn.
Trong bối cảnh đó, ông Lực kiến nghị Chính phủ sớm cho phép mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ xăng dầu đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc và tác động của giá xăng dầu thế giới tăng cao đến sự ổn định và phát triển kinh tế trong nước. Đồng thời, đa dạng hóa hóa nguồn cung cả trong và ngoài nước; nghiên cứu nguồn cung thay thế, đảm bảo ổn định hơn nguồn cung trong nước, nhất là trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine leo thang.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng cần phân tích những yếu tố về cơ sở giá, thuế và phí xăng dầu để đề xuất điều chỉnh phù hợp; đồng thời, rà soát, đánh giá và phối hợp nhịp nhàng để sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu sát thị trường, hiệu quả hơn nữa, nhất là về tần suất, thời điểm và mức độ bình ổn một cách linh hoạt, phù hợp.
Còn theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ ngày 2/1/2022, đến nay, nghị định này mới chỉ được hơn 2 tháng áp dụng trong thực tiễn nhưng đã bộc lộ bất cập đó là quy định: "Đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo".
Chính vì quy định này, mà thị trường xăng dầu trong nước "lỡ nhịp" điều hành vào đúng ngày mùng 1 Tết Nguyên đán, khiến cho chu kỳ điều hành xăng dầu đúng dịp này tăng thành 20 ngày. “Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp phải bù lỗ cả nghìn đồng/lít, chưa kể chi phí vận hành cửa hàng, trả lương cho lao động”, ông nói.
Thanh Hoa