Động thái này một lần nữa khẳng định dự án của Facebook ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt của cơ quan chức năng trên toàn cầu.
Xử lý rủi ro từ trong trứng nước
Theo kế hoạch, Libra sẽ chính thức được Facebook triển khai vào tháng 6 năm sau. Kể từ khi thông tin về dự án được công bố, cơ quan chức năng và giới chính trị gia nhiều quốc gia đã lên tiếng bày tỏ sự quan tâm và cả quan ngại, từ việc Libra có thể bị lợi dụng để rửa tiền, nguy cơ xâm phạm quyền riêng tư của người dùng, cho đến rủi ro gây mất ổn định tài chính thế giới.
“Chúng tôi muốn bảo đảm rằng nếu những rủi ro đáng kể xuất hiện thì chúng cần được giải quyết”, theo lời ông Xiangmin Liu - Chủ tịch Cơ quan giám sát chống rửa tiền (Financial Action Task Force - FATF) có trụ sở tại Paris.
Cũng trong ngày 10/9, trao đổi với báo chí tại Thụy Sĩ, một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ nói rằng Libra phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, nếu muốn được lưu hành rộng rãi.
Dự án Libra đã giúp hâm nóng lại chủ đề làm thế nào để quản lý tiền mật mã một cách quy củ, bởi các quy định hiện nay đối với lĩnh vực này vẫn còn tương đối rời rạc và giữa các quốc gia chưa có sự đồng nhất.
Trong nỗ lực đưa tiền mật mã vào khuôn khổ, FATF từng khuyến nghị các quốc gia hồi tháng 6 vừa qua về việc thắt chặt giám sát các sàn giao dịch tiền mật mã để ngăn ngừa rủi ro tiền kỹ thuật số bị lợi dụng để phục vụ mục đích rửa tiền và tài trợ khủng bố. “Quốc gia nào cho phép tiền mã hóa hoạt động sẽ phải đăng ký và giám sát các công ty liên quan. Chính phủ các nước sẽ phải tiến hành kiểm tra chi tiết về khách hàng và báo cáo các giao dịch đáng ngờ”, theo thông cáo của FATF.
Chủ tịch FATF khi đó, ông Marshall Billingslea, khẳng định: “Đây là một rủi ro mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt. Các quốc gia cần phải nhanh chóng lên tiếng hành động”.
Đồng tiền mật mã Libra sẽ bị giám sát chặt chẽ |
Mò kim đáy biển
Simon Riondet - Giám đốc cơ quan tình báo tài chính tại Europol, cơ quan cảnh sát của Liên minh châu Âu chuyên điều tra những vụ án xuyên biên giới, cho rằng việc sử dụng tiền mật mã làm tăng nguy cơ các vụ án rửa tiền phi pháp. Trong năm nay, Europol đã triệt phá một băng nhóm ma túy Tây Ban Nha rửa tiền bằng cách sử dụng hai máy ATM tiền mật mã - máy cho phép người dùng trao đổi tiền mật mã để lấy tiền mặt.
Phát biểu tại một sự kiện ở London, ông Liu cho rằng hành vi sử dụng tiền mật mã một cách bất hợp pháp có lẽ đang lan rộng với tốc độ nhanh hơn chúng ta tưởng. Những trường hợp đã được nhận diện, như rửa tiền hay buôn bán ma túy, có lẽ chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng quy mô giao dịch trái phép.
“Tính chất ẩn danh của các tài sản ảo đang bị khai thác bởi những tên tội phạm nghiêm trọng... Những hoạt động này có thể sẽ tăng lên nhanh chóng, vì các cơ quan thực thi pháp luật mới chỉ nhìn thấy phần nổi của tảng băng”, ông Liu nói.
Ông Liu - người đảm nhiệm chức Chủ tịch FATF từ tháng 7/2019, cho rằng khối lượng và tốc độ của các giao dịch tiền mật mã là một thách thức lớn trong việc sàng lọc cách hành vi bất hợp pháp, ngay cả khi công nghệ phát hiện những hành động đó đã được nâng cấp đáng kể. Ông ví von công tác phát hiện các hoạt động đáng ngờ giống như “tìm kim đáy biển”. Và trong trường hợp này, biển ngày càng rộng ra, còn nước biển cứ cuộn chảy không ngừng.
FATF là cơ quan liên chính phủ được thành lập vào tháng 7/1989 tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở Paris. Đây là lực lượng quốc tế quan trọng nhất về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Hiện tại, FATF có 36 quốc gia thành viên và 5 tổ chức khu vực là thành viên liên kết.
Hải Châu