Là một dạng tài sản ảo có khả năng chuyển đổi (stablecoin), Libra có thể tự do lưu chuyển qua biên giới và “nó sẽ không thể tồn tại bền vững nếu thiếu sự hỗ trợ và giám sát của các ngân hàng trung ương”, đó là ý kiến của ông Mu Changchun - Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC).
Quan tâm tới ổn định tài chính
Theo ông Mu, tiền tệ kỹ thuật số có thể được sử dụng để cho vay, gây xáo trộn chính sách tiền tệ và tiềm ẩn rủi ro ngoại hối ở những nền kinh tế có đồng nội tệ biến động. Ngoài ra, Facebook cũng chưa rõ ràng về các cam kết chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố, cũng như cách bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.
Trong một cuộc hội thảo tại Đại học Bắc Kinh hôm 8/7, ông Wang Xin - Cục trưởng Cục nghiên cứu thuộc PBOC, nói rằng PBOC đang phối hợp với một số cơ quan, tổ chức cùng nghiên cứu và phát triển một loại tiền kỹ thuật số của PBOC và đề án này đã được Hội đồng Nhà nước phê duyệt.
“Từ góc độ của chính phủ, chúng tôi chú ý nhiều hơn đến ảnh hưởng của nó đối với các dịch vụ tài chính, chính sách tiền tệ và sự ổn định tài chính”, ông Wang chia sẻ thêm.
Sau khi Facebook công bố kế hoạch phát hành đồng Libra, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới như Ngân hàng Trung ương châu Âu hay Ngân hàng Trung ương Anh đã lên tiếng bày tỏ lo ngại. Mặc dù bản thân Facebook không được hiện diện ở Trung Quốc, song PBOC cũng vẫn công khai quan điểm.
Ông Mu cho biết nhóm nghiên cứu của PBOC đã kiểm tra mã code của Libra và nhận thấy nó còn đang ở giai đoạn sơ khai và chất lượng của mã không ổn định. Ông cũng nghi ngờ liệu Libra có thực sự sử dụng công nghệ blockchain hay không, bởi vì công nghệ này chưa thể đáp ứng các yêu cầu cao về giao dịch để phục vụ hoạt động bán lẻ.
PBOC đã và đang nghiên cứu phát triển đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình, nhưng chưa công bố kế hoạch phát hành.
Liên quan tới vấn đề rủi ro ngoại hối, ông Mu phân tích chi tiết rằng một khi Libra được sử dụng ở các nền kinh tế đang phát triển có đồng nội tệ không ổn định, có thể sẽ xảy ra tình trạng người dân bán ồ ạt nội tệ để mua Libra, làm mất giá đồng nội tệ và khiến người nghèo càng lâm vào khó khăn.
PBOC đã và đang nghiên cứu phát triển đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình |
Người nghèo dễ chịu thiệt
Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán của PBOC khuyến cáo Quỹ Tiền tệ Quốc tế hoặc các tổ chức quốc tế khác nên giám sát việc phát hành Libra và giám sát cơ chế tỷ giá hối đoái giữa các loại tiền tệ khác nhau trong giỏ đồng tiền cấu thành Libra. Nếu không, các quốc gia có thể sẽ “chạy đua” nới lỏng chính sách để đổi được nhiều Libra hơn.
Đánh giá về tác động đối với chính sách tiền tệ, ông Mu nhận định việc Libra được sử dụng rộng rãi trong thanh toán sẽ thúc đẩy các giao dịch được định giá bằng Libra và các sản phẩm tài chính như cho vay tiêu dùng cũng có thể niêm yết giá bằng Libra.
Khi đó, Libra sẽ tham gia thị trường tín dụng và tạo ra hệ số nhân tiền. Ngân hàng trung ương các nước nên tham gia quá trình đánh giá và kiểm soát cẩn thận hệ số nhân tiền này và quyết định lượng dự trữ ngoại hối cần thiết.
Đối với quan ngại về bảo mật thông tin, Libra mong muốn người dùng và các tổ chức tham gia cùng tuân thủ định về thông tin cá nhân, chống rửa tiền hoặc chống tài trợ khủng bố, nhưng ông Mu cho rằng Facebook chưa mạnh dạn khẳng định trách nhiệm của mình.
Người dùng Libra có thể chính là những người dùng Facebook hoặc WhatsApp, do đó công ty con mới thành lập của Facebook, Calibra, có thể biết hết danh tính thực sự của những đối tượng khách hàng này.
Liệu Libra có sử dụng công nghệ blockchain xác thực hay không cũng là một dấu hỏi chấm khác. Mục tiêu mà Facebook công bố là hỗ trợ 1.000 giao dịch mỗi giây, nhưng như thế là chưa đủ đáp ứng yêu cầu trong thị trường thanh toán bán lẻ. Ông Mu dẫn chứng trường hợp NetsUnion Clearing Corp (Trung Quốc) vào lúc cao điểm phải xử lý tới 92.771 giao dịch mỗi giây.
Hải Châu