Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày 18/6, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ tài chính Hạ viện Mỹ - bà Maxine Waters, đã kêu gọi các quản lý cấp cao của Facebook ra điều trần trước Quốc hội và yêu cầu mạng xã hội này tạm dừng phát triển Libra cho đến khi các nhà lập pháp và cơ quan quản lý xem xét toàn bộ dự án.
Bà Waters nói rằng với kế hoạch tạo ra một loại tiền điện tử riêng, Facebook đang tiếp tục phát triển mà không phải chịu nhiều kiểm soát và mở rộng phạm vi tiếp cận với cuộc sống riêng tư của người dùng.
Thượng nghị sĩ Sherrod Brown thuộc Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, cũng cho rằng Facebook đã quá lớn mạnh và đã sử dụng sức mạnh đó để khai thác dữ liệu của người dùng mà không bảo vệ quyền riêng tư của họ.
Theo Thượng nghị sĩ Brown, Chính phủ Mỹ không thể cho phép Facebook phát hành một loại tiền điện tử mới đầy rủi ro ra thị trường mà không có hoạt động giám sát.
Tại châu Âu, ngay sau khi có thông tin về đồng Libra, Bộ trưởng Tài chính Pháp Le Maire nói rằng Facebook hoàn toàn có thể tạo ra một công cụ để giao dịch, nhưng đồng tiền điện tử của mạng xã hội này không thể trở thành một loại tiền tệ quốc gia.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Mark Carney tỏ ra có “quan điểm cởi mở” hơn về những tiện ích tiềm năng của đồng Libra. Tuy vậy, ông vẫn cảnh báo nó sẽ phải chịu sự giám sát nghiêm ngặt về bảo đảm khả năng hoạt động và không bị sử dụng để rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố.
Ông Markus Ferber - một nghị sĩ cấp cao của Đức tại Nghị viện châu Âu, cho biết trong một tuyên bố rằng đồng tiền điện tử mới của Facebook đã khiến các cơ quan quản lý cảnh giác cao độ và kêu gọi Ủy ban châu Âu bắt đầu xây dựng khuôn khổ pháp lý đối với các loại tiền điện tử.
Lê Minh