"Mô hình phát triển của Đông Á - dựa vào thị trường toàn cầu mở và sản xuất sử dụng nhiều lao động - đang bị thách thức bởi căng thẳng thương mại và công nghệ mới", Aaditya Mattoo, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết trong họp báo mới đây.
Ngân hàng Thế giới dự báo Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng mạnh nhất trong số các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á. |
Trung Quốc từng là động lực tăng trưởng cho châu Á tuy nhiên WB nhận thấy nền kinh tế số 2 thế giới sẽ làm giảm triển vọng của khu vực trong một năm nữa, làm chậm tốc độ tăng trưởng khu vực từ 4,8% năm 2024 xuống 4,4% vào năm 2025.
Theo phân tích, gói kích thích kinh tế được chính quyền Trung Quốc đưa ra vào tháng trước bao gồm cắt giảm lãi suất, củng cố thị trường bất động sản và bơm hàng tỷ USD vào thị trường chứng khoán có thể có tác động hạn chế đến tiêu dùng.
WB dự báo phần còn lại của khu vực không bao gồm Trung Quốc sẽ tăng trưởng ở mức 4,9% vào năm 2025, từ mức 4,7% vào năm 2024. Dẫn đầu là Việt Nam ở mức 6,5% và Philippines ở mức 6,1%, theo báo cáo.
5 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á đã được hưởng lợi trong những năm gần đây khi đầu tư và sản xuất tìm kiếm vùng đất trung lập trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị. Tuy nhiên WB nhận thấy những lợi ích mà các nước như Việt Nam và Thái Lan thu được từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng đang có dấu hiệu chững lại.
Ngân hàng cũng cảnh báo các kênh xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể sẽ bị thu hẹp khi một Tổng thống mới thực thi các quy tắc về xuất xứ nghiêm ngặt hơn. Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã bắt đầu cuộc chiến thương mại với Trung Quốc trong thời gian cầm quyền của mình, trong khi Phó Tổng thống Hoa Kỳ hiện tại Kamala Harris dự kiến sẽ tiếp tục lập trường "thận trọng nhưng kiên quyết" của chính quyền Biden đối với Trung Quốc.
WB cho biết, sản lượng công nghiệp và vốn hóa thị trường chứng khoán châu Á có thể giảm lần lượt 0,5% và 1% trong bối cảnh bất ổn về chính sách tài khóa hoặc thương mại gia tăng. Bên cạnh đó, các rủi ro khác đối với khu vực có thể đến từ xung đột ở Trung Đông. WB dẫn chứng chi phí vận chuyển toàn cầu đã tăng gần 40% kể từ tháng 10/2023, khi Hamas tấn công Israel.
"Phản ứng tốt nhất là làm sâu sắc thêm các hiệp định thương mại và trang bị cho người dân các kỹ năng và khả năng tận dụng các công nghệ mới”, ông Aaditya Mattoo nhận định.
WB khuyến nghị, việc ký kết các hiệp định thương mại sâu rộng với các đối tác thương mại lớn có thể hoạt động như một lá chắn giúp các quốc gia chống lại những tác động tiêu cực của chính sách thương mại và công nghiệp hạn chế.
Đỗ Kiều (theo Nikkei Asia)