Làng nghề gốm Gia Thủy có tiền thân là gốm Long Thịnh, trải qua quá trình hình thành và phát triển đến nay làng gốm Gia Thủy đã có tuổi đời hơn 60 năm. Năm 2007 làng gốm Gia Thủy đã được công nhận là làng nghề truyền thống.
Không bóng bẩy, nhiều hoa văn hoạ tiết tinh tế như gốm Bát Tràng hay Chu Đậu... Gốm Gia Thuỷ luôn mộc mạc, chân phương… nhưng vẫn mang hơi thở của hồn đất, hồn người.
Để làm ra một sản phẩm gốm hoàn chỉnh đến tay người tiêu dùng, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau, đòi hỏi người thợ phải có sự tỉ mỉ, lành nghề, tinh tế và sáng tạo.
Đất để làm gốm phải là loại đất sét có màu nâu vàng, loại đất này có độ kết dính cao, mịn và chịu nhiệt tốt, đây là nguyên liệu có sẵn tại địa phương và chỉ tại làng nghề Gia Thủy mới có.
Tùy thuộc vào từng loại sản phẩm mà người thợ sẽ nặn đất theo mẫu khác nhau. Thông thường để làm ra những chiếc chum, vại người thợ sẽ nặn đất thành những thớ tròn dài để đưa lên bàn xoay ghép lại với nhau được dễ dàng hơn.
Qua những bàn tay điêu luyện của người thợ lành nghề, đất đã chuyển mình thành hình, thành khối, có đường nét như ẩn chứa cả hồn cốt của người thợ Gia Thủy.
Nghệ nhân Trịnh Văn Dũng - Giám đốc HTX Gốm Gia Thủy cho biết: “HTX hiện có 60 lao động, trong đó có 8 nghệ nhân; mỗi năm, HTX cho ra lò hàng nghìn sản phẩm như chum, vại, sành, ấm, chén, lọ, chậu, bát, đĩa,..
“Mỗi năm, HTX đóng góp khoảng 1/4 tổng thu nhập của toàn xã Gia Thủy. Mức thu nhập bình quân của mỗi lao động vào khoảng 7,5 triệu đồng/tháng, người làm việc đạt hiệu quả cao có thể lên đến hơn 10 triệu đồng/tháng”. Ông Dũng cho biết thêm
Mỗi sản phẩm gốm thủ công là câu chuyện, tâm tư, tình cảm của người thợ gốm gửi vào trong đó, nên những sản phẩm nơi đây thường có nét đặc trưng riêng của Gốm Gia Thủy.
Chị Nguyễn Thị Mận, người thợ tạo hình đã gắn bó hơn 10 năm bên chiếc bàn xoay chia sẻ: “Nghề gốm cho tôi công ăn việc làm, nguồn thu nhập ổn định hàng tháng để đảm bảo cuộc sống. Công việc tuy vất vả nhưng chúng tôi cũng mong muốn gìn giữ được nghề truyền thống mà cha ông đã để lại”.
Hiện các sản phẩm gốm Gia Thủy có mặt ở nhiều nơi trên cả nước và một số quốc gia trong khu vực, có thể kể đến như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Nhật Bản... Được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao và ưa chuộng.
Phạm Hòa
gốm Gia Thủy
Gốm gia truyền
nghề gốm
gốm ở Việt Nam
gốm ở Ninh Bình
giá trị văn hóa
Tin liên quan
Giao thông Hà Nội nghẹt thở trước kỳ nghỉ lễ 0
Người Hà Nội xếp hàng xuyên đêm để mua vàng 0
Mưa to, sấm sét, nhiều tuyến phố tại Hà Nội úng ngập, giao thông ùn tắc cục bộ 0
Vải sớm Tân Yên, rộn ràng mùa thu hoạch 0
Sen quê Bác: Từ cảnh đẹp đến giá trị kinh tế cao 0
Mùa dâu tằm hái mỏi tay, thu ngay tiền triệu 0