Thống đốc khẳng định, năm 2018, hệ thống ngân hàng có đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế, nhưng cũng phải nhờ sự điều hành của Chính phủ giúp môi trường vĩ mô ổn định tạo điều kiện cho ngành hoạt động hiệu quả.
Tăng trưởng tín dụng hợp lý
Trong năm 2018, điều hành chính sách tiền tệ giữ được ổn định mặt bằng lãi suất trong điều kiện áp lực. Thị trường ngoại tệ đã mua ròng được 6 tỷ USD, nhờ đó đã giữ được ổn định tỷ giá, đồng tiền Việt Nam ổn định, trong khi nhiều đồng tiền trên thế giới biến động mạnh.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2018 giảm mạnh về mức 1,89%, thấp hơn nhiều so với các năm trước. Nợ xấu bao gồm cả nợ nội bảng, nợ tiềm ẩn, nợ bán cho công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã giảm từ hơn 10% vào năm 2016 về 6,3%, tức là tốc độ nợ xấu đã giảm đáng kể, mức độ xử lý nợ xấu đã đạt kết quả quan trọng.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định 2019 là một năm có ý nghĩa quan trọng bảo đảm hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế của Chính phủ. Do đó, trong điều hành chính sách tiền tệ sẽ kiên quyết theo mục tiêu đặt ra, kiên định ổn định kinh tế vĩ mô.
Năm 2019, NHNN sẽ chủ động quản lý thị trường vàng và ngoại tệ một cách hiệu quả, củng cố dự trữ ngoại hối; công tác tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu cũng sẽ được NHNN tiếp tục đặt là trọng tâm.
Điều hành tín dụng tăng trưởng hợp lý đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, với tín dụng tăng trưởng ở mức 14% và linh hoạt theo điều kiện thị trường; tổng phương tiện thanh toán tăng 13%; đảm bảo xử lý nợ xấu, đẩy mạnh xử lý theo cơ chế thị trường, kiểm soát nợ xấu phát sinh, đưa nợ xấu xuống dưới 2%; tăng cường công tác thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo an toàn trong thanh toán, an ninh thanh toán.
Tuy nhiên, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng lưu ý: "Mục tiêu không nới lỏng tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại, nhưng những tổ chức tín dụng nào áp dụng chuẩn Basel 2 thì sẽ được xem xét tăng trưởng cao hơn".
Tại Hội nghị, đại diện 4 ngân hàng thương mại nhà nước là Agribank, VietinBank, Vietcombank và BIDV tiếp tục kiến nghị về vấn đề "tăng vốn điều lệ đang trong tình trạng rất nguy cấp".
Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ cho rằng: "Tăng vốn điều lệ là vấn đề đặc biệt cấp bách, bởi đã sát ngưỡng tối thiểu, tới hạn theo quy định của pháp luật. Nếu không tăng được vốn điều lệ, ngân hàng sẽ không thể tăng trưởng tín dụng để đảm bảo an toàn và ảnh hưởng tới việc đáp ứng vốn cho nền kinh tế".
Tăng trưởng tín dụng năm 2019 ở mức 14% |
Khó đáp ứng nhu cầu vốn?
Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết những ngày cuối năm 2018, Vietcombank đã phát hành riêng lẻ thành công trái phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ 3% nhưng đã thu được 6.200 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có nguồn vốn lớn nhất hệ thống.
Tuy nhiên, dù tăng vốn thành công trong ngày cuối năm 2018, nhưng ông Thành khẳng định nhu cầu tăng vốn vẫn rất bức thiết với Vietcombank.
Đại diện Vietcombank kiến nghị Chính phủ cho phép được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn, giữ lại thặng dư, đồng thời cho phép NHNN được tăng vốn từ quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp.
Đáng chú ý, tại Hội nghị, đại diện Vietcombank và Agribank đã bất ngờ thông báo giảm lãi suất cho vay ngay trong tháng đầu năm 2019.
Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh cho biết Agribank sẽ giảm 0,5% lãi suất cho vay với các đối tượng ưu tiên, gồm cả cho vay trung hạn, ngắn hạn và dài hạn. Còn Vietcombank cũng quyết định giảm lãi suất từ ngày 9/1, thấp hơn 0,5% với mức quy định trần của NHNN cho 5 lĩnh vực ưu tiên.
Như vậy, các khoản vay ngắn hạn sẽ có lãi suất tối đa 6%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn cũng giảm đồng loạt 0,5%/năm. Việc giảm lãi suất sẽ áp dụng cho các khoản vay đang còn dư nợ và khoản vay mới từ năm 2019.
Ông Thành cho biết: "Việc giảm lãi suất ước tính sẽ dẫn đến giảm lợi nhuận 450 tỷ đồng; nhưng Vietcombank xác định vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa muốn chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và khẳng định uy tín hàng đầu".
Cả Agribank và Vietcombank đều cho biết, hoạt động kinh doanh trong năm 2018 thu được kết quả khả quan, con số lợi nhuận tăng kỷ lục. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của Agribank đạt 7.500 tỷ đồng, trong khi Vietcombank thu được 8.000 tỷ đồng, tăng 62%.
Mức lợi nhuận tăng cao hoàn toàn không phải từ tăng lãi suất cho vay, mà có sự đóng góp lớn của tăng thu dịch vụ và thu từ nợ xấu.
Hoàng Hà