Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank, cho biết: "Nếu không kịp thời tăng vốn điều lệ thì ngân hàng không thể sắp xếp được nguồn vốn để triển khai có hiệu quả, đồng bộ Nghị định 116 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn".
Áp lực vốn gia tăng
Agribank hiện là ngân hàng thương mại duy nhất có 100% vốn nhà nước, nên việc tăng vốn điều lệ phải do ngân sách cấp. Với nguồn ngân sách của nhà nước đang gặp khó khăn như hiện nay, việc tăng vốn cho Agribank là rất khó.
Thời điểm 31/12/2012, khi Agribank thực hiện đề án tái cơ cấu, vốn điều lệ ở mức 26.000 tỷ đồng, nhưng từ đó đến nay, Chính phủ chỉ mới cấp thêm vốn điều lệ cho ngân hàng 3.000 tỷ đồng tiền mặt.
Đáng chú ý, trong tổng số vốn điều lệ hiện có của Agribank có tới 3.590 tỷ đồng được cấp bằng trái phiếu đặc biệt từ năm 2003, lãi suất 3,3%, thời hạn kết thúc vào năm 2023 (20 năm). Khi đến hạn, số trái phiếu này hết giá trị thì vốn điều lệ của ngân hàng lại tụt xuống.
Trong khi đó, Agribank là ngân hàng "đặc thù" vừa làm nhiệm vụ chính trị cấp vốn cho "tam nông", vừa phải cạnh tranh bình đẳng với các ngân hàng thương mại khác.
Hiện, với mức vốn điều lệ hơn 30.000 tỷ đồng đã kéo tụt Agribank từ vị thế đứng đầu hệ thống về tiêu chí vốn xuống cuối cùng trong số 4 ngân hàng thương mại nhà nước và chỉ ngang bằng vốn ở một số ngân hàng cổ phần.
Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh hồi cuối tháng 11 cho biết: "Nếu không được bổ sung vốn điều lệ, đến năm 2019, ngân hàng không đáp ứng đủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Chưa kể còn ảnh hưởng tới uy tín và khả năng mở rộng tín dụng cấp cho nền kinh tế".
Theo đó, trong năm 2018, nhà băng này đã trình Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ đề án cấp bổ sung 20.200 tỷ đồng giai đoạn 2016 – 2020. Được Chính phủ thông qua đề án cổ phần hóa; Agribank công bố hồ sơ phát hành trái phiếu ra công chúng. Theo đó, ngân hàng này sẽ phát hành mới 4.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm với mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu.
Agribank cho biết, mục đích phát hành trái phiếu là để tăng trưởng thêm nguồn vốn dài hạn đáp ứng nhu cầu cho vay nền kinh tế nói chung và kế hoạch kinh doanh của ngân hàng nói riêng. Ngoài ra, thông qua đợt phát hành trái phiếu lần này, Agribank muốn tăng thêm nguồn vốn cấp hai để đáp ứng các tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động của ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và tăng khả năng thanh khoản toàn hệ thống.
Agribank hiện chỉ có vốn điều lệ hơn 30.000 tỷ đồng |
Mong sớm cổ phần hóa
Tại hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 116 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, ông Phạm Toàn Vượng cho biết thời gian qua, ngân hàng đã tiết giảm chi phí và ưu tiên vốn lưu động cho tín dụng chính sách và xử lý lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, Agribank cũng đang "áp lực" không thể thực hiện được nếu không nhận được hỗ trợ.
"Nếu không kịp thời cải thiện vốn điều lệ, không thể có nguồn vốn để triển khai có hiệu quả, đồng bộ Nghị định 116", ông Vượng khẳng định.
Với lý do trên, Phó Tổng Giám đốc Agribank kiến nghị Ngân hàng Nhà nước quan tâm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho ngân hàng tăng vốn điều lệ và được đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa để có thể nâng cao năng lực, đảm bảo hệ số an toàn vốn.
Được biết, Agribank là một trong số các doanh nghiệp nằm trong danh sách thoái vốn nhà nước giai đoạn 2016-2020. Theo đó, ngân hàng này sẽ được cổ phần hóa và Nhà nước chỉ còn nắm giữ 65% vốn điều lệ.
Phương án cổ phần hóa của Agribank được phê duyệt vào ngày 1/10 và dự kiến đến 31/12/2018 sẽ xác định xong giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, với các mốc thời gian như trên, lãnh đạo Agribank khẳng định sẽ gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Tính đến 30/9/2018, tổng tài sản của Agribank đạt gần 1.211 nghìn tỷ đồng; nguồn vốn đạt hơn 1.125 nghìn tỷ đồng, trong đó chủ yếu từ tiền gửi dân cư. Tổng dư nợ đạt 958.213 tỷ đồng, trong đó 70% dư nợ là tín dụng nông thôn. Hiện có tới 50% tổng cho vay nông nghiệp toàn hệ thống thuộc về ngân hàng này.
Đối với tín dụng nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, doanh số cho vay đạt 21.390 tỷ đồng (trong gói tín dụng tối thiểu 50.000 tỷ đồng mà ngân hàng dành cho nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao bắt đầu triển khai từ ngày 1/11/2016).
Tuy nhiên, nợ xấu của nhà băng này vẫn cao. Đến cuối tháng 7, Agribank còn khoảng 120.000 tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42 chưa được xử lý, giảm 21,5%; gồm 16.000 tỷ đồng nợ nội bảng, 21.000 tỷ đồng nợ cơ cấu lại, 19.000 tỷ đồng nợ ở công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Huyền Anh