Không chỉ có các ngân hàng thương mại nhà nước mà nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng đang thể hiện khả năng tăng vốn thuận lợi. Trong đó, đáng chú ý có một số nhà băng đã hoàn thành kế hoạch tăng vốn trong năm nay như: Techcombank, MB…
Lộ trình tăng vốn đã thuận
Mới đây, Techcombank (mã: TCB) đã hoàn tất kế hoạch tăng vốn “khủng” trong năm 2018 với việc được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận sửa đổi mức vốn điều lệ trên giấy phép kinh doanh.
Vốn điều lệ của Techcombank được nâng lên 34.966 tỷ đồng, gần gấp 3 lần mức cũ (11.655 tỷ đồng). Đây là kết quả của việc phát hành thành công hơn 2,3 tỷ cổ phiếu cho 4.262 cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ hưởng quyền 1:2. Số cổ phiếu đã chính thức được đưa vào giao dịch.
Sau đợt tăng vốn này, Techcombank đã vượt qua BIDV vào vị trí Top 3 về vốn điều lệ trong các ngân hàng cổ phần, sau VietinBank, Vietcombank.
MB (mã: MBB) cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận sửa đổi vốn điều lệ trong nội dung giấy phép hoạt động. Vốn điều lệ của ngân hàng này được nâng từ 18.155 tỷ đồng lên gần 21.605 tỷ đồng.
Số vốn điều lệ 3.450 tỷ đồng tăng thêm đợt này được MB thu về từ đợt phát hành riêng lẻ 345 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức đợt 2 năm 2017 với tỷ lệ 5%, và chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 14%.
Trong báo cáo tài chính quý III, nhiều ngân hàng cho thấy khả năng tăng vốn đã có những bước tiến triển tốt.
Chẳng hạn, BIDV (mã: BID) mới đây đã trình văn bản lấy ý kiến cổ đông về việc phát hành riêng lẻ hơn 600 triệu cổ phiếu cho một ngân hàng Hàn Quốc là KEB Hana.
Dự kiến, việc phát hành sẽ diễn ra vào cuối năm 2018 hoặc năm 2019. Nếu đợt tăng vốn này thành công, chắc chắn BIDV sẽ có thêm hơn 6.000 tỷ đồng có thể được giữ lại để gia tăng mạnh vốn chủ sở hữu.
Còn Vietcombank (mã: VCB) gần đây cũng có những thông tin bất ngờ trong việc tăng vốn. Ngân hàng này được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ lên hơn 39.575 tỷ đồng (tương ứng phát hành thêm tỷ lệ 10%) theo phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ đã được cổ đông thông qua.
Nhiều ngân hàng khác cũng ồ ạt thông tin khả năng tăng vốn thuận lợi trong cuối năm nay hoặc đầu năm sau như: NamABank, VIB, HDBank, VPBank, Maritime Bank…
Có thể thấy gọi vốn đầu tư nước ngoài đang được xem là con đường ngắn nhất và mang lại giá trị cao trong bối cảnh hiện nay, khi khó có thể tìm được tổ chức trong nước có nguồn lực tài chính mạnh rót vốn đầu tư vào ngân hàng như giai đoạn trước.
MB được chấp thuận nâng vốn điều lệ từ 18.155 tỷ đồng lên gần 21.605 tỷ đồng |
“Nút thắt” đã được gỡ
Theo đánh giá của các chuyên gia, trước đây, dù ngân hàng rất nỗ lực nhưng chuyện tăng vốn vẫn rơi vào bế tắc vì nhiều lý do như: cổ phiếu ngành ngân hàng chưa khởi sắc, nợ xấu còn cao, kết quả kinh doanh chưa thật sự khả quan…, cùng với những “nút thắt” từ chính sách.
Thống kê của NHNN gần nhất cho thấy vốn điều lệ của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước tính đến tháng 5/2018 là gần 147.800 tỷ đồng, chỉ tăng vỏn vẹn 118 tỷ đồng so với tháng 1/2017, trong khi ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đã tăng thêm gần 16.400 tỷ đồng, đóng góp chính vào mức tăng 19.800 tỷ đồng của toàn hệ thống tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 986/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển của ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025.
Trong đó nêu rõ, đối với các ngân hàng thương mại nhà nước (không bao gồm Agribank), sẽ tăng vốn điều lệ để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II, song vẫn bảo đảm Nhà nước nắm giữ ở mức tối thiểu 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Còn trong giai đoạn 2021 – 2025, sở hữu của Nhà nước tại các ngân hàng thương mại nhà nước sẽ được giảm xuống còn 51%.
Chính sách mới này được xem như “chìa khóa” gỡ được rất nhiều vướng mắc, không chỉ giúp cho ngân hàng tăng vốn thuận lợi hơn mà còn kéo theo sự phát triển của mỗi ngân hàng.
Lãnh đạo các ngân hàng thương mại cổ phần cũng thừa nhận, chuyện tăng vốn đang thuận lợi hơn so với trước đây nhờ rất nhiều tín hiệu tốt từ thị trường và kết quả của quá trình tái cấu trúc ngân hàng.
“Hiện nay, nợ xấu ở các ngân hàng giảm mạnh, cùng với việc thị trường chứng khoán khởi sắc, việc đang làm ăn khấm khá, lợi nhuận tăng mạnh chính là điều kiện thuận lợi giúp các ngân hàng đồng loạt tăng vốn, gia tăng năng lực tài chính”, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho hay.
Nhìn chung, các chuyên gia đánh giá, các ngân hàng năm nay có vốn chủ sở hữu tương đối khả quan so với các năm trước và sẽ còn tiếp tục được cải thiện trong năm 2019.
Huyền Anh