Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường của VietinBank mới đây, Chủ tịch HĐQT Lê Đức Thọ cho biết tình trạng thiếu vốn của nhà băng này đang "rất cấp thiết", nhưng với các điều kiện hiện tại lại không còn nhiều lựa chọn phương án tăng vốn.
Nguy cơ "thủng đáy" an toàn vốn
Theo đánh giá của các chuyên gia, dù lợi nhuận năm nay của nhiều ngân hàng tăng 20 – 40% so với năm 2017, nhưng một số nhà băng vẫn chưa dám mừng do không thể tăng vốn như kỳ vọng. Tín dụng tăng nhanh khiến tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) giảm mạnh là áp lực căng thẳng nhất của các ngân hàng trong năm 2019.
Thống kê cho thấy, CAR của VietinBank đang giảm mạnh. Tính theo tiêu chuẩn Basel I, CAR trong năm 2017 là 10%, năm 2018 dự báo giảm còn 9,7%, dù cao hơn mức quy định tối thiểu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 9% nhưng so với trung bình ngành là 12,14% lại thấp hơn rất nhiều.
Theo tính toán của CTCP Chứng khoán Bản Việt, nếu áp dụng tiêu chuẩn Basel II, CAR của VietinBank sẽ giảm 1-3%, nên có thể không đáp ứng được mức quy định tối thiểu.
"Để đạt chuẩn Basel II, ngân hàng cần tăng vốn tự có gấp 1,8-2 lần so với hiện tại. Đây sẽ là một thách thức rất lớn với VietinBank", một chuyên gia nói.
Hiện nay, để nâng vốn cấp 1 với VietinBank không hề dễ dàng do tỷ lệ sở hữu nhà nước tại ngân hàng này đã xuống mức 64,46% (trong khi theo quy định không được giảm dưới 65%), đồng thời tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng đã được lấp đầy (30%).
Như vậy, chỉ còn cách là giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước để phát hành thêm cổ phiếu riêng lẻ nhằm tăng vốn điều lệ. Chủ tịch HĐQT Lê Đức Thọ cho biết VietinBank đang đề xuất với NHNN để được lựa chọn là một trong những ngân hàng quốc doanh được thí điểm giảm sở hữu Nhà nước xuống còn 51% theo Chiến lược phát triển ngành ngân hàng vừa được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, sau năm 2020, một số ngân hàng sẽ được lựa chọn để IPO trên thị trường quốc tế, giảm sở hữu nhà nước xuống mức 51%.
Tuy nhiên, nếu được đồng ý, phương án này cũng phải tới năm 2020 mới thực hiện được, còn trước mắt trong năm 2019, VietinBank vẫn cần phải tăng vốn để đáp ứng quy định.
Đối với phương án tăng vốn cấp 2 bằng cách phát hành trái phiếu kỳ hạn dài của VietinBank cũng không còn nhiều dư địa. Theo quy định, tỷ lệ vốn cấp 2 không được quá 50% vốn cấp 1. Hiện, dư địa vốn cấp 2 của VietinBank chỉ còn khoảng 600 – 700 tỷ đồng.
Trước những khó khăn trên, chỉ còn một cách tăng vốn nhanh nhất và khả thi nhất là giữ lại cổ tức hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Giống như nhiều ngân hàng khác, VietinBank cần tăng vốn để đảm bảo CAR theo Basel II |
Ảnh hưởng đến lợi nhuận
"Trong phương án kế hoạch kinh doanh và phân phối lợi nhuận, lợi nhuận năm 2017 sau khi phân phối các quỹ theo đúng quy định sẽ được xem xét phân phối chia cổ tức hay giữ lại. Chúng tôi đang đề xuất cho phép giữ lại cổ tức hàng năm hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu, hoặc chia một phần cổ tức bằng tiền, một phần bằng cổ phiếu. Hiện, đề xuất này đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét. Chúng tôi sẽ thực hiện sau khi có văn bản phê chuẩn chính thức", ông Thọ cho biết.
Theo đánh giá của các chuyên gia, để nhận được cái "gật đầu" của Bộ Tài chính cho các ngân hàng quốc doanh giữ lại cổ tức trong thời điểm này là không dễ dàng, bởi nguồn lực ngân sách nhà nước đang khó khăn, cần có thêm nhiều nguồn thu để bù chi.
Thực tế, trong năm 2017 với hơn 4.000 tỷ đồng lợi nhuận còn lại, VietinBank đề xuất được chia toàn bộ hoặc một phần bằng cổ phiếu, nhưng đến nay đã gần hết năm 2018 vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền thông qua.
Hiện, các chỉ tiêu tăng trưởng của VietinBank đều đã được khai thác tới gần giới hạn, đặc biệt là chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Nếu không có kế hoạch khả thi để tăng vốn trong năm 2019, VietinBank sẽ phải hãm phanh tín dụng (vì tín dụng càng tăng, hệ số CAR càng giảm, nếu vốn chủ sở hữu không tăng). Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tăng trưởng lợi nhuận năm 2019.
Điều này có thể nhìn thấy tại Đại hội đồng cổ đông bất thường vừa tổ chức, VietinBank đã hạ các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh thấp hơn kết quả đã đạt được sau 9 tháng đầu năm theo báo cáo tài chính đã công bố, đặc biệt là hai chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận thấp hơn so với dự kiến đầu năm.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm, VietinBank đạt tăng trưởng tín dụng 12,8% (dự kiến hồi đầu năm là 14%), lợi nhuận trước thuế gần 7.600 tỷ đồng (chỉ tiêu dự kiến hồi đầu năm là 10.800 tỷ đồng).
Các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2018 sau khi điều chỉnh và được cổ đông thông qua là: tổng tài sản có tăng trưởng 6 – 8%; dư nợ tín dụng tăng trưởng 8 – 9%; nguồn vốn huy động tổ chức kinh tế và dân cư tăng trưởng 9 – 10%; tỷ lệ nợ xấu (nội bảng) dưới 3%; lợi nhuận riêng lẻ của ngân hàng chỉ 6.200 tỷ đồng (hợp nhất 6.700 tỷ đồng).
Huyền Anh