Cầu vốn của doanh nghiệp từ nay đến cuối năm sẽ khó tăng so với mọi năm (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Mới đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đã chấp thuận nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng. Mức tăng ở mỗi ngân hàng khác nhau, tùy thuộc vào năng lực tài chính, cơ cấu nguồn vốn của từng đơn vị, phù hợp với định hướng đảm bảo an toàn hệ thống.
Một số nhà băng đã "chạm trần"
Do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, năm 2020, NHNN đã đưa ra mức cấp tín dụng cho các ngân hàng và tổ chức tín dụng (TCTD) thấp hơn so với năm 2019. Chẳng hạn, Techcombank là 13%, trong khi năm 2019 đạt 17%, giảm 4,0%; TPBank là 11,5% (năm 2019 đạt 17%), giảm 5,5%; MB là 12%, (năm 2019 đạt 15,8%), giảm 4,1%; HDBank là 11% (năm 2019 đạt 19,6%), giảm 8,6%; VIB là 10,5%, (năm 2019 đạt 31,1%), giảm 20,6%…
Thực tế, bên cạnh một số nhà băng có mức tăng trưởng tín dụng ì ạch trong nửa đầu năm nay, vẫn có một số ngân hàng có sự tăng trưởng khá mạnh. Vì vậy, với hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay thấp hơn nhiều so với năm ngoái khiến một số ngân hàng mới đi qua nửa chặng đường năm tài chính 2020 đã “chạm trần” tín dụng.
Tính đến hết tháng 4, tín dụng của TPBank tăng gần 11%, cao hơn nhiều so với mức tăng bình quân chung của hệ thống. Trong khi đó, hạn mức đầu năm được NHNN giao chỉ là 11,5%.
Tương tự, tính đến hết tháng 5/2020, tăng trưởng tín dụng của VPBank là 12%, HDBank là 8%...
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank cho hay: "Hiện tại, TPBank đã sử dụng gần hết hạn mức mà NHNN giao từ đầu năm (11,5%). Dù rằng mức tăng trưởng gần 11% trong 4 tháng là con số cao nhất trong các TCTD, nhưng còn xa so với khả năng ngân hàng có thể đáp ứng được".
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, cùng với ACB và MB, TPBank được NHNN đánh giá cao nhất theo các tiêu chuẩn của Thông tư 52 quy định xếp hạng TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nhằm mục đích cấp room tín dụng.
Trong khi đó, một số nhà băng khác cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay khá cao nếu được NHNN cho phép.
Về kế hoạch kinh doanh 2020, HĐQT VIB đã trình ĐHĐCĐ kế hoạch tăng trưởng tín dụng 24% tùy thuộc vào phê duyệt về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của NHNN. Còn lãnh đạo MB cho biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 là 12%, nhưng nếu NHNN cho phép thì tăng cao hơn.
Cầu vốn khó tăng nhanh
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Tín dụng (NHNN) cho biết, tất cả các ngân hàng xin nới room tín dụng đều được nâng.
Tuy nhiên, các ngân hàng phải đảm bảo cân đối nguồn vốn giữa huy động và cho vay. Nguồn vốn cần xây dựng từ thị trường 1, không thể phụ thuộc vốn từ thị trường 2 để cho vay. Mặt khác, huy động vốn cũng phải trên nền tảng lãi suất thấp. Các ngân hàng không được phép tăng lãi suất tiết kiệm, vì định hướng của NHNN là tạo cơ sở để hạ lãi suất cho vay.
Như vậy, nhìn vào kế hoạch kinh doanh năm 2020 của một số ngân hàng trên cũng có thể dự đoán được những cái tên đã được NHNN tăng hạn mức tín dụng vừa qua.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng với các ngân hàng là hoàn toàn phù hợp. Bởi hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát tại Việt Nam, hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục từ cuối quý II và dự báo sẽ tăng mạnh trong quý III - cũng là thời điểm bắt đầu mùa cao điểm cho vay của các ngân hàng.
Vì vậy, việc nới room cho các ngân hàng sẽ tạo thêm dư địa để các nhà băng cấp vốn cho doanh nghiệp, thông qua đó vực dậy nền kinh tế sau đại dịch.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến lo ngại khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn khá yếu và phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh trên thế giới, nên khả năng khởi động lại của nền kinh tế sau dịch ở Việt Nam chưa mạnh mẽ.
Với tình hình đầu ra tín dụng vẫn khó như hiện nay, ông Hùng cũng nhận định các ngân hàng có thể không dùng hết phần "room" được NHNN nới thêm.
PGS-TS. Nguyễn Đức Thành, chuyên gia kinh tế đánh giá, cầu vốn của doanh nghiệp từ nay đến cuối năm sẽ khó tăng so với mọi năm, thậm chí nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với khả năng phải dừng hoạt động hoàn toàn.
Vì thế, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng sẽ giảm xuống và trên thực tế tín dụng toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm nay chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước.
"Ðó là thực tế mà chúng ta phải chấp nhận để có chính sách điều hành phù hợp hơn, thay vì cố gắng “bơm” vốn ra nền kinh tế, kể cả vốn giá rẻ cũng chưa chắc đã đưa được vào sản xuất, kinh doanh. Bởi để sản xuất thì doanh nghiệp không chỉ cần vốn, mà còn phải có thị trường. Nếu những vấn đề này không sớm được giải quyết thì sẽ gây nhiều bất ổn về kinh tế vĩ mô sau này", ông Thành nói.
Thanh Hoa