Ts. Bùi Quang Tín – chuyên gia ngân hàng, nhận định một số tổ chức tín dụng (TCTD) đã gần chạm trần tín dụng, song tổng tăng trưởng tín dụng trong hệ thống cơ bản vẫn còn room. Do đó, doanh nghiệp (DN) không lo thiếu vốn, chỉ ngân hàng lo thiếu DN tốt.
Nhiều ngân hàng "đụng trần"
Theo đánh giá của các chuyên gia, những ngân hàng đã đáp ứng chuẩn Basel II trong quý này sẽ nhận được thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019. Tuy nhiên, để không ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành, mức nới sẽ không rộng và khó đạt được kỳ vọng của các ngân hàng.
Trong số 9 ngân hàng đã được chứng nhận đạt chuẩn Basel II, đến thời điểm hiện tại mới chỉ có ACB đã nhận được thêm 4% tăng trưởng tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), qua đó đưa tổng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho năm 2019 lên 17%.
Những ngân hàng còn lại chưa có thông tin về việc nới room, song theo đánh giá của các chuyên gia, trong quý III sẽ được "nhận quà" từ cơ quan quản lý. Tuy nhiên, việc xem xét nới room cũng sẽ được NHNN tính toán tương xứng với hệ số an toàn vốn (CAR).
Các TCTD khác vẫn đang nỗ lực thực thi các phương án tăng vốn, cải thiện CAR để được NHNN xem xét tăng hạn mức tín dụng cao hơn.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, với hạn mức cụ thể được giao, các ngân hàng sẽ sớm cho vay kín "room" để tận dụng được kỳ hạn dài, tăng thu nhập lãi thuần, nâng cao kết quả kinh doanh, tránh để đến cuối năm mới khai thác.
Điều tra về xu hướng kinh doanh quý III/2019 của các TCTD được Vụ Thống kê, NHNN thực hiện mới đây cũng cho thấy có đến 85,4% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ "cải thiện" trong quý III/2019 (cao hơn tỷ lệ 80,6% của cuộc điều tra tháng 3/2019) và 88,5% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2019 "cải thiện" hơn so với năm 2018, trong đó 20- 27,4% TCTD kỳ vọng "cải thiện nhiều".
Đặc biệt, có đến 63,5% TCTD kỳ vọng tổng nhu cầu tăng, trong đó 64,5% kỳ vọng tăng nhu cầu vay vốn.
Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 4,13% trong quý III/2019 và tăng 14,33% trong năm 2019 (cao hơn mức tăng thực tế 13,88% của năm 2018 nhưng thấp hơn mức tăng kỳ vọng 16,7% của cùng kỳ năm 2018), điều chỉnh thấp hơn không đáng kể so với mức bình quân kỳ vọng 14,5% ghi nhận tại kỳ điều tra trước.
Dự báo đến quý III, một số nhà băng có thể đụng trần hạn mức tín dụng, không còn dư địa cho vay, điều này sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ngân hàng và nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của các DN |
Thận trọng nới room tín dụng
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, quan điểm của NHNN đối với tăng trưởng tín dụng là thận trọng, tiếp tục theo mục tiêu định hướng từ đầu năm. Do đó, việc nới room tín dụng sẽ tiến hành rất thận trọng, đảm bảo các cân đối chung không bị ảnh hưởng.
Lãnh đạo NHNN cho biết các ngân hàng lớn hiện nay không còn mở rộng cho vay. Đơn cử như VietinBank, với hạn mức tín dụng năm 2019 chỉ 6-7% tiếp tục được xem là nút thắt tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của ngân hàng này. Agribank đã hết room tín dụng, không tăng vốn đồng nghĩa không thể giải ngân, nếu cho vay sẽ vi phạm. Điều tương tự cũng diễn ra với Vietcombank.
Ông Hùng khẳng định: "Còn lại mấy ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ tác động không đáng kể".
Dự báo đến quý III, một số nhà băng có thể đụng trần hạn mức tín dụng, không còn dư địa cho vay, điều này sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ngân hàng và nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của các DN.
Theo quy luật tăng trưởng tín dụng chung, những tháng cuối năm, tín dụng sẽ tăng mạnh nhất. Ts. Bùi Quang Tín phân tích: với mức tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 6/2019 đạt 7,33% thì trong những tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng sẽ còn tăng, thông thường 2%/tháng ở 3 tháng cuối, riêng quý III thường có mức tăng khoảng 3-4%. Như vậy, theo quy luật thì room sẽ sớm kịch trần.
Tuy nhiên, ông Tín khẳng định: "Dù một số TCTD đã gần chạm trần tín dụng, song tổng tăng trưởng tín dụng trong hệ thống cơ bản vẫn còn room. Do đó, DN không lo thiếu vốn, chỉ ngân hàng lo thiếu DN tốt".
Ngoài ra, bản thân các TCTD cũng còn nhiều cửa tăng nguồn thu như tăng thu hồi xử lý nợ, hoàn nhập dự phòng, tăng thu dịch vụ, thu nhập chứng khoán, bán cổ phiếu quỹ… Vì vậy, bài toán kinh doanh của các ngân hàng cuối năm sẽ không phải là bất khả thi ở các mục tiêu cao.
Một số chuyên gia đồng tình, cho rằng ngoài tính toán về room tăng trưởng tín dụng linh hoạt, không cố định cứng nhắc tại một con số, NHNN cũng sẽ có định hướng điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng, ổn định lạm phát, hỗ trợ DN hoạt động kinh doanh.
Huyền Anh