Ngày 11/4, tại Hội nghị triển khai chương trình hành động ngành ngân hàng, thực hiện Chiến lược phát triển ngành tới năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh cho biết mục tiêu tổng quát ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng năm 2030 được thực hiện theo hai cấp độ là hiện đại hóa NHNN và phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).
3-5 ngân hàng lên sàn nước ngoài
Ở nhóm ngân hàng thương mại (NHTM), mục tiêu của ngành là cơ cấu lại hệ thống các TCTD, xử lý triệt để nợ xấu theo cơ chế phù hợp thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững sự ổn định hệ thống.
Mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 12-15 NHTM áp dụng thành công Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, có ít nhất 1-2 ngân hàng trong nhóm 100 ngân hàng lớn nhất châu Á về tổng tài sản.
Đồng thời, các ngân hàng cần nâng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập lên khoảng 12-13% trong giai đoạn đầu, ở giai đoạn tiếp theo nâng dần lên 16-17%. Hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán của các NHTM, nâng vốn pháp định với quỹ tín dụng nhân dân.
Vấn đề xử lý nợ xấu cũng là yêu cầu cấp bách cho ngành ngân hàng trong thời gian tới. Theo đó, mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ ở các TCTD xuống dưới 3% (không bao gồm các NHTM yếu kém được Chính phủ phê duyệt phương án xử lý).
Trong giai đoạn 2 (2021-2025), ngành ngân hàng đặt mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt trong quản trị và trong hoạt động của các TCTD.
"Đến cuối năm 2025, ngành phấn đấu có ít nhất 2-3 ngân hàng trong top lớn nhất châu Á, 3-5 ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài", Phó Thống đốc cho hay.
Đặc biệt, trong giai đoạn này, tất cả NHTM sẽ phải áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn; có thể sẽ thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại các ngân hàng do Nhà nước nắm cổ phần chi phối và các ngân hàng cổ phần có chất lượng quản trị tốt.
Tăng vốn đang là bài toán cấp bách của nhiều ngân hàng |
Cấp bách giải bài toán tăng vốn
Trong mục tiêu thực hiện chiến lược phát triển của ngành ngân hàng, Vietcombank được NHNN phê duyệt trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam, một trong 100 ngân hàng lớn nhất trong khu vực châu Á, một trong 300 tập đoàn ngân hàng tài chính lớn nhất thế giới và được quản trị theo các thông lệ quốc tế tốt nhất.
Ở giai đoạn tiếp theo, Vietcombank định hướng duy trì vị thế ngân hàng số 1 tại Việt Nam; từng bước nâng cao vị thế trong khu vực và trên thế giới như nằm trong Top 100 ngân hàng lớn nhất trong khu vực châu Á và trong nhóm 300 tập đoàn ngân hàng tài chính lớn nhất thế giới.
Tại hội nghị, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho rằng để hoàn thành những mục tiêu này, cơ quan quản lý cần xây dựng các giải pháp hỗ trợ. Trong đó, giải pháp tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính đảm bảo sức cạnh tranh với các NHTM trong khu vực đang là vấn đề cấp bách cho các NHTM nhà nước.
Ông Thành cho biết, để đáp ứng chuẩn Basel II và tiến tới Basel III, các NHTM có vốn nhà nước đều đang rất thiếu vốn. Với Vietcombank, mặc dù đã thực hiện thành công giao dịch phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị 6.180 tỷ đồng trong năm 2018 nhưng so với kế hoạch đã đề ra tại Đề án cơ cấu lại và để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, nhu cầu tăng vốn trong thời gian tới là khá lớn.
Từ thực tế tăng vốn thời gian qua, Vietcombank kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện cho các NHTM có vốn nhà nước được trả cổ tức bằng cổ phiếu thay vì bằng tiền mặt, cho phép tăng vốn điều lệ từ nguồn thặng dư và lợi nhuận giữ lại tích lũy.
Ngoài ra, ông Thành kiến nghị Chính phủ cho phép tăng tỷ lệ sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài tại các NHTM, đồng thời cho phép các ngân hàng sử dụng một phần Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp nhà nước để tăng vốn cho các NHTM có vốn nhà nước, đáp ứng đủ vốn an toàn tối thiểu theo Basel II.
Huyền Anh