Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tại buổi gặp báo chí thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2019 tổ chức chiều 13/6.
Tín dụng tăng chậm lại
Tính đến ngày 10/6, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đã tăng 5,74% so với cuối năm 2018. Trong đó, tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên đều tăng khá như tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 13%; tín dụng đối với doanh nghiệp (DN) ứng dụng công nghệ cao tăng 14,33%; tín dụng đối với DN nhỏ và vừa tăng 5,04%; tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 5%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 4,11%.
Theo thống kê, tổng tăng trưởng tín dụng tăng 5,75%. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay về cơ bản tiếp tục ổn định, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/ năm, 9-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Như vậy, so với mức tăng của cùng kỳ năm 2018 là 6,22%, tăng trưởng tín dụng năm nay có phần chậm lại.
Mới đây, các chuyên gia của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) phân tích nguyên nhân tín dụng chậm lại và cho rằng, quy định siết chặt tín dụng của NHNN, đặc biệt là với các lĩnh vực có rủi ro cao như bất động sản (BĐS), BOT, BT… đã tác động mạnh đến tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, nhóm phân tích của BVSC cũng đánh giá, ở các lĩnh vực ưu tiên như khu vực công nghiệp, sản xuất, xuất khẩu, DN ứng dụng công nghệ cao vẫn được các tổ chức tín dụng hỗ trợ cung ứng vốn đầy đủ.
Bên cạnh đó, hiện nay có nhiều tổ chức tài chính cho vay ngang hàng, các tổ chức kinh tế vi mô khác và hệ thống thị trường cổ phiếu, trái phiếu. Đặc biệt là với trái phiếu DN, nhiều DN đã tích cực huy động vốn trung và dài hạn từ kênh này.
Từ phân tích trên, BVSC khẳng định, tín dụng tăng trưởng chậm cũng không quá đáng lo, vì DN đã có nhiều kênh để huy động vốn, không bị phụ thuộc vào một nguồn vốn nhất định.
Ngân hàng sẵn sàng cho vay vốn những dự án BĐS đáp ứng hồ sơ tốt, có quỹ đất sạch và có khả năng sinh lợi nhuận |
Vốn cho BĐS vẫn dồi dào?
Tín dụng cho lĩnh vực BĐS có phải đang bị "đóng băng"? Trả lời câu hỏi này, ông Hùng khẳng định, BĐS là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhưng không có nghĩa là ngân hàng không cho vay.
"Ngân hàng không thiếu vốn cho vay BĐS và không dừng cho vay ở lĩnh vực này, nhưng sẽ cho vay những dự án đủ điều kiện, đáp ứng hồ sơ và có khả năng sinh lợi…", ông Hùng nói.
Theo đó, đại diện NHNN cho biết, tín dụng BĐS gồm hai dạng: cho vay trực tiếp các chủ đầu tư BĐS, cho vay tiêu dùng để mua BĐS.
Số liệu từ NHNN cho thấy, đến cuối năm 2018, tổng dư nợ tín dụng liên quan đến BĐS là 31,7%, trong đó vay trực tiếp đối với chủ đầu tư chững lại nhưng vay gián tiếp đối với khách hàng mua nhà lại tăng. Trong 3 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng BĐS tăng 3,24% so với năm 2018.
"Như vậy là tín dụng BĐS vẫn tiếp tục tăng trưởng. Chúng tôi đánh giá BĐS là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhưng các tổ chức tín dụng vẫn xem xét cho vay cả chủ đầu tư và người mua nhà", ông Hùng nói.
Riêng lĩnh vực cho vay tiêu dùng BĐS, hiện nay, các ngân hàng đang giới hạn cho vay ở mức trên dưới 3 tỷ đồng, theo lý giải của NHNN, đó là mục tiêu để hướng các ngân hàng cho vay vào phân khúc thương mại giá rẻ, đáp ứng nhu cầu nhà ở thực tế của người dân. Quy định này cũng định hướng cho các chủ đầu tư nên hướng đến phân khúc đó.
Về việc sửa đổi Thông tư 36, trong đó NHNN đưa ra hai phương án giảm dần tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn từ mức 40% hiện nay xuống mức 30% vào năm 2021 hoặc năm 2022, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, định hướng này nhằm đảm bảo an toàn hệ thống. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn không chỉ áp dụng với lĩnh vực BĐS mà tất cả các lĩnh vực khác cũng phải tuân thủ thực hiện.
Theo bà Hồng, lộ trình này là phù hợp, nếu đúng ra thì phải thực hiện từ trước, đồng thời khẳng định: "Tất nhiên, sửa đổi Thông tư 36 vẫn đang lấy ý kiến để rà soát, xem xét thêm".
Huyền Anh