Kinh tế tập thể (KTTT), HTX là mô hình kinh tế được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư kêu gọi điền chủ, nông gia Việt Nam tham gia HTX nông nghiệp.
Đảng và Nhà nước xác định KTTT là một thành phần quan trọng trong nền kinh tế, không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn có đóng góp quan trọng trong phát triển văn hóa, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Nhu cầu tất yếu
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: "KTTT không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với KTTT ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân".
Đến nay, khu vực KTTT có hơn 21.000 HTX, trong đó có gần 13.000 HTX nông nghiệp, trên 7.000 HTX phi nông nghiệp, hơn 1.100 quỹ tín dụng nhân dân (TDND), gần 96.000 tổ hợp tác (THT), 63 liên hiệp HTX với hơn 1.000 HTX tham gia chuỗi giá trị…
Các HTX, liên hiệp HTX có những đóng góp quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển và giải quyết các vấn để xã hội, đặc biệt vùng nông thôn. Vai trò của các HTX, liên hiệp HTX còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở; là yếu tố có ý nghĩa quyết định việc thành công trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc phát triển KTTT thời gian qua còn một số hạn chế như sự liên kết, hợp tác của các HTX chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp, năng lực nội tại của các HTX còn yếu, nhiều HTX hoạt động chưa hiệu quả…
Đảng và Nhà nước luôn nhìn nhận, phát triển KTTT là chủ trương lớn, đồng thời cũng là sự nghiệp hết sức khó khăn, đòi hỏi phải kiên trì, xuất phát từ nhu cầu thực tế, phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế-xã hội của từng vùng, miền và địa phương.
Để khắc phục những điểm yếu trên, Hội nghị Trung ương 5 (Khóa IX) đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT...
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX, Luật HTX năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 246/2006/QĐ-TTg ngày 27/10/2006 về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX (Quỹ).
Quỹ là nơi huy động và tiếp nhận nguồn vốn đóng góp tự nguyện của các HTX, liên hiệp HTX, các nguồn tài chính trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật Việt Nam để tạo nguồn vốn hỗ trợ phát triển các HTX, liên hiệp HTX. Vốn điều lệ của Quỹ là 100 tỷ đồng do ngân sách nhà nước cấp.
Quỹ đã ra thể chế, ban hành đồng bộ các quy chế, quy trình nghiệp vụ hoạt động và hoàn thiện tổ chức bộ máy, đi vào hoạt động cuối năm 2007.
Đến nay, Quỹ đã hỗ trợ cho nhiều HTX vay vốn với hiệu suất sử dụng cao. Đến hết năm 2016, dư nợ đạt 90 tỷ đồng/100 tỷ đồng vốn điều lệ; năm 2017 dư nợ 95,6 tỷ đồng; đến 30/6/2018, dư nợ 96,7 tỷ đồng, hiệu suất sử dụng vốn đạt 96,7% (trong các năm gần đây, Quỹ chỉ thu hồi dần vốn gốc để cho vay tiếp)…
Qua hơn 10 năm hoạt động, Quỹ đã triển khai cho vay đầu tư 114 dự án của các HTX trên địa bàn 35 tỉnh, thành phố với tổng số vốn cho vay 245 tỷ đồng (thời gian cho vay mỗi dự án bình quân 4 năm) để hỗ trợ các HTX đầu tư đổi mới công nghệ kỹ thuật, đổi mới phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường, xây dựng mô hình HTX kiểu mới, mô hình HTX điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực ngành nghề, địa bàn khác nhau, trong đó tập trung chủ yếu lĩnh vực nông nghiệp và địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc (chiếm 70% tổng doanh số cho vay).
Các HTX sau khi vay vốn của Quỹ đều phát triển tốt, dự án đầu tư phát huy hiệu quả kinh tế – xã hội, nâng cao sức cạnh tranh, mang lại lợi nhuận cao cho các HTX, và thành viên, người lao động của HTX.
Máy bắn căng chè của HTX Kiến Thuận mua bằng vốn vay Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. |
Nguồn hỗ trợ kinh tế HTX
Theo số liệu báo cáo tổng hợp của Quỹ, các HTX được vay vốn đầu tư từ Quỹ đều có doanh thu tăng trung bình 70,5%, lợi nhuận sau thuế tăng 93,8%, số thành viên tăng 28,9%, số lao động tăng 51,7%, thu nhập của thành viên tăng 31,8%, thu nhập người lao động tăng 28,9%, số nộp ngân sách tăng 84%; tạo việc làm mới cho hàng vạn lao động trực tiếp và gián tiếp, đặc biệt cho lao động ở nông thôn; từ đó góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; đóng góp vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Đặc biệt, công tác quản lý tài chính, tài sản của Quỹ đảm bảo đúng chế độ, đúng pháp luật, nên quản lý quỹ an toàn, hiệu quả, không để xảy ra thất thoát, lãng phí. Vốn điều lệ do Nhà nước cấp luôn được bảo toàn; hàng năm đều có nguồn vốn tích lũy được bổ sung từ kết quả hoạt động (đến hết 30/6/2018 là 36,3 tỷ đồng).
Dù hỗ trợ được rất nhiều cho các HTX, tuy nhiên, hơn 10 năm hoạt động chưa được bổ sung vốn, đến nay vẫn chỉ được 100 tỷ đồng nên những năm gần đây, Quỹ gần như không còn nguồn vốn để cho vay, chỉ thu hồi dần vốn gốc để cho vay tiếp.
Điều đó dẫn đến, hiện nay đang có hàng trăm dự án đầu tư của các HTX đủ điều kiện cho vay nhưng không có nguồn để đáp ứng.
Trong khi đó, nhu cầu về vốn phát triển sản xuất kinh doanh của các HTX hiện nay là rất lớn. Khảo sát của Liên minh HTX Việt Nam cho biết, số vốn cần thiết này lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm và có xu hướng tăng nhiều hơn trong thời gian tới.
Trong khi đó, việc huy động nguồn vốn cho Quỹ theo cơ chế thị trường không thực hiện được do vay với lãi suất ưu đãi; các nguồn vốn đóng góp tự nguyện của các HTX, liên hiệp HTX để tăng vốn hoạt động không thực hiện được do tiềm lực tài chính của các HTX, liên hiệp HTX nhìn chung hạn chế.
Nhận thấy được những điểm yếu đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 23/2017/QĐ-TTg ngày 22/6/2017, điều chỉnh tăng vốn cho Quỹ theo lộ trình đến năm 2018 đạt 500 tỷ đồng và đến năm 2020 đạt 1.000 tỷ đồng.
Qua khảo sát thực tế 130 HTX cho thấy, để xây dựng thành công mô hình HTX hoạt động hiệu quả, một trong các giải pháp quan trọng là nguồn vốn tín dụng với lãi suất hợp lý từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX.
Nhu cầu vốn cần thiết để cho vay xây dựng 400 mô hình HTX hoạt động hiệu quả trong thời gian tới theo Đề án phát triển 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ tối thiểu là 1.200 tỷ đồng (mỗi năm xây dựng khoảng 130 mô hình với nhu cầu vốn tín dụng tối thiểu 400 tỷ đồng).
Như vậy, với số vốn hiện có của Quỹ và nguồn vốn được cấp bổ sung 1.000 tỷ đồng theo lộ trình đến năm 2020 theo Quyết định 23/2017/QĐ-TTg cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu cấp thiết nhất. Đối với số nhu cầu vốn còn lại Quỹ triển khai cho vay hợp vốn và tư vấn các HTX vay vốn các tổ chức tín dụng.
Hồng Nhung