Tại hội thảo: "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quỹ hỗ trợ phát triển HTX" do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức ngày 16/5, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo HTX các địa phương đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc, bất cập tại Dự thảo Nghị định về Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Trong đó, hai nội dung nhận được nhiều sự quan tâm là quy định về mô hình tổ chức và mức vốn điều lệ của quỹ HTX địa phương.
Không đảm bảo công bằng
Theo quy định tại Dự thảo Nghị định, vốn điều lệ thực hiện tối thiểu phải có tại thời điểm thành lập là 100 tỷ đồng do ngân sách tỉnh cấp. Đồng thời, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ban hành quyết định thành lập quỹ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương cấp đủ vốn điều lệ.
Hầu hết lãnh đạo các HTX đều cho rằng mức vốn điều lệ quy định là 100 tỷ đồng cho tất cả các tỉnh là không phù hợp. Với những tỉnh nghèo, quy định này sẽ khiến nhiều Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX nhiều tỉnh phải giải thể.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh Quảng Trị, kiến nghị: "Nên phân nhóm các tỉnh để có quy định phù hợp hơn. Chẳng hạn đối với các tỉnh nghèo như Quảng Trị, ngân sách phụ thuộc lớn vào Trung ương thì nên quy định vốn điều lệ tối thiểu 20 tỷ đồng là phù hợp".
Đồng quan điểm, ông Đỗ Nhân Đạo, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, cho rằng nhu cầu vốn ở mỗi địa phương là khác nhau, đặc biệt với những địa phương chậm phát triển như Yên Bái, nhu cầu vốn không thực sự quá lớn. Nếu quy định chung phải có vốn điều lệ 100 tỷ đồng sẽ gây khó khăn cho việc thành lập do khả năng ngân sách địa phương không thể đáp ứng, mặt khác gây lãng phí ngân sách.
"Cùng một chính sách nhưng có địa phương, HTX được thụ hưởng, có địa phương, HTX lại không. Như vậy, không đảm bảo được sự công bằng, bình đẳng cho các HTX", ông Đạo nhận xét.
Hầu hết các ý kiến, tham luận tại hội thảo đều cho rằng mức vốn điều lệ ban đầu nên giao cho UBND các địa phương tự quyết định, trên cơ sở nguồn lực của từng địa phương, nhưng tối thiểu là 10 tỷ đồng để đảm bảo có được chi phí vận hành để các Quỹ tự quản lý.
Hầu hết lãnh đạo các HTX đều cho rằng mức vốn điều lệ quy định là 100 tỷ đồng cho tất cả các tỉnh là không phù hợp. |
Nên bổ sung thêm loại hình vốn khác
Số liệu báo cáo của Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho thấy, tính đến cuối năm 2017, có ba Quỹ hỗ trợ phát triển HTX có quy mô nguồn vốn hoạt động ở trên mức 50 tỷ đồng là Tp.HCM, Hà Nội, Bình Dương, chiếm 6,25%.
Chỉ 5 Quỹ có quy mô 30-50 tỷ đồng là Bắc Ninh, Đồng Nai, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, chiếm 10,41%. 12 Quỹ có quy mô 10 – 30 tỷ đồng, còn lại 28 Quỹ có quy mô dưới 10 tỷ đồng.
Ngoài ra, Dự thảo quy định: "Quỹ HTX hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại Nghị định này và pháp luật liên quan khi không được quy định tại Nghị định này" cũng nhận được nhiều ý kiến không đồng tình.
Ông Đồng cho rằng quy định này đang đi ngược với mục đích của Quỹ là hỗ trợ phát triển HTX không vì mục đích lợi nhuận. Quy định trên sẽ hạn chế việc huy động vốn từ thành viên và các nguồn vốn khác.
Thực tế hoạt động cho thấy, trong số Quỹ hỗ trợ phát triển HTX hoạt động hiệu quả, vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng chủ yếu không phải do ngân sách cấp 100% vốn, mà nguồn vốn này được huy động từ thành viên và người lao động trong khu vực tập thể như ở Tp.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu…
Ông Trần Ngọc Minh, Giám đốc Quỹ trợ vốn xã viên HTX Tp.HCM (Quỹ CCM), cho biết Quỹ CCM không có nguồn vốn cấp từ ngân sách nhà nước, chủ yếu là vốn góp, vốn huy động từ thành viên và vốn tích lũy qua quá trình hoạt động, nhưng đã mang lại hiệu quả cao cho hoạt động của Quỹ.
Tính đến ngày 31/3/2018, tổng nguồn vốn hoạt đông của Quỹ CCM là hơn 804 tỷ đồng, trong đó vốn góp của thành viên là hơn 10 tỷ đồng, vốn huy động từ tiền tiết kiệm của thành viên là hơn 303 tỷ đồng, vốn đóng góp từ công ty đầu tư tài chính nhà nước Tp.HCM là hơn 75 tỷ đồng và vốn không chi qua các năm hoạt động là hơn 416 tỷ đồng.
Ông Minh kiến nghị bổ sung thêm loại hình vốn khác là Quỹ HTX không phải 100% vốn nhà nước như: loại hình HTX, công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên… để tạo điều kiện huy động mọi nguồn lực trong khu vực kinh tế tập thể để cùng với ngân sách nhà nước giúp cho các HTX, Liên hiệp HTX, thành viên, người lao động có thêm vốn để tổ chức sản xuất.
"Trong lúc ngân sách còn khó khăn, việc huy động vốn từ thành viên là rất quan trọng và nguồn vốn này chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn hoạt động. Đặc biệt, vốn góp thành viên không được chia lãi mà để tạo nguồn vốn cho vay trong khu vực kinh tế tập thể, thành viên không có nhu cầu vay nữa thì có thể rút vốn ra", ông Minh nói.
Huyền Anh
Ông Phạm Huyền Anh - Phó Chánh thanh tra, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) Hiện nay, ngân sách nhà nước đầu tư cho HTX còn hạn chế, khả năng vốn tự có của các HTX mỏng, chỉ chiếm khoảng 20% nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, trong khi đó việc tiếp cận vốn tín dụng lại khó khăn do không có tài sản thế chấp. Do vậy, để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể thông qua hoạt động các Quỹ, Chính phủ sớm ban hành Nghị định về thành lập, tổ chức hoạt động của các Quỹ nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất cho việc thành lập, tổ chức hoạt động của các Quỹ. Ngoài ra, cần xây dựng Quỹ Trung ương đóng vai trò chủ đạo trong việc liên kết hệ thống như: tăng cường năng lực tài chính trên cơ sở cấp bổ sung vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước đến năm 2020 tối thiểu là 1.000 tỷ đồng; hoàn thiện cơ chế chính sách về cho vay, ủy thác cho vay và nhận ủy thác cho vay của các quỹ địa phương… Ông Trương Đình Tuyển Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Sự ra đời của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề trong khu vực kinh tế tập thể. Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý chưa hoàn chỉnh, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX chưa phát huy hết hiệu quả. Thậm chí, Quỹ địa phương đang phải vận dụng nhiều quy định khác nhau để hoạt động, dễ dẫn đến rủi ro về pháp lý cho hoạt động của Quỹ, đồng thời gây khó khăn trong việc giám sát, quản lý của cơ quan nhà nước. Do đó, Dự thảo Nghị định cần xây dựng theo hướng đổi mới đồng bộ hoạt động của các Quỹ từ cơ sở pháp lý, phương thức tạo nguồn vốn hoạt động, mô hình tổ chức, mối quan hệ dọc trong hệ thống Quỹ và mối quan hệ ngang theo lãnh thổ đến định hướng lựa chọn đối tượng ưu tiên hỗ trợ của Quỹ. Ông Vũ Danh Hiệp - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân sách Văn phòng Quốc hội Hiện nay, Quỹ hỗ trợ phát triển Trung ương và địa phương đang gặp phải những hạn chế "cố hữu" là giá trị khoản vay thấp, thời hạn còn ngắn, phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách, thiếu năng động trong công tác điều hành quỹ… dẫn đến chưa đáp ứng được các mục tiêu do năng lực tài chính của Quỹ và HTX còn hạn chế, những bất cập trong chính sách. Vì vậy, cần sửa đổi, ban hành những cơ chế, chính sách đồng bộ nhằm nâng cao hoạt động của Quỹ như: liên kết hệ thống từ Trung ương đến địa phương, đa dạng hóa nguồn vốn hoạt động của quỹ, tập trung nguồn lực về tài chính, con người và cơ sở vật chất nhằm thúc đẩy hiệu quả của các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với kinh tế hợp tác và HTX. Ngoài ra, cần quy định mức vốn điều lệ tối thiểu của các Quỹ ở mức hợp lý đối với từng Quỹ ở từng địa phương. |