Phát biểu tại hội thảo, lãnh đạo các HTX khẳng định, hiện nay việc tiếp cận vốn tín dụng để đầu tư sản xuất kinh doanh ở các HTX vô cùng khó khăn, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã được xem như “cứu cánh” cho các HTX.
Toàn cảnh Hội thảo: Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã |
Thực tế, trong quá trình hoạt động, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đã có nhiều đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế hợp tác, HTX. Trong đó, tập trung chú trọng cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, miền núi; chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực có quy mô lớn và sức lan tỏa.
Cụ thể, cho vay lĩnh vực nông nghiệp chiếm 36,58%; phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực chiếm tỷ trọng 21,9%; khu vực miền núi và Tây Nguyên chiếm tỷ trọng 43,9%; các HTX làm hạt nhân thành lập liên hiệp HTX chiếm tỷ trọng 17%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các Quỹ trong thời gian qua bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu lớn và đa dạng về vốn phát triển sản xuất kinh doanh của các cơ sở kinh tế hợp tác.
Nguồn vốn ban đầu được ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX ở Trung ương rất ít, chỉ có 100 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn hàng năm của các HTX lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Theo báo cáo của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đến hết năm 2016, Quỹ đã giải ngân cơ bản hết nguồn vốn cho vay, đầu năm 2017, Quỹ không còn nguồn vốn để cho vay hỗ trợ cho các HTX, liên hiệp HTX.
Bên cạnh đó, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX ở các địa phương chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách của các tỉnh, thành phố còn khó khăn, nguồn vốn đóng góp và các Quỹ địa phương còn hạn chế.
Hầu hết các Quỹ đều có vốn mỏng quy mô hoạt động nhỏ, với gần 50% số Quỹ có mức vốn dưới 10 tỷ đồng, thậm chí có Quỹ vốn điều lệ chỉ từ 1-2 tỷ đồng. Trong khi đó, nhu cầu vay vốn của các HTX, liên hiệp HTX là rất lớn.
Ngoài ra, Quỹ chỉ cho vay đầu tư, thủ tục vay vốn theo quy định còn chặt chẽ, phức tạp. Cơ chế cho vay, phạm vi, phương thức và giới hạn cho vay còn nhiều bất cập và không thống nhất...
Chưa có sự liên kết, hỗ trợ từ Quỹ Trung ương đến Quỹ các tỉnh, thành phố để hỗ trợ, điều hoà vốn giữa các Quỹ với nhau.
Bên cạnh đó, việc chưa có hành lang pháp lý thống nhất cho tổ chức và hoạt động của các Quỹ khiến việc hoạt động của Quỹ vô cùng khó khăn và chưa phát huy được hiệu quả.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng việc tập trung thảo luận các giải pháp nhằm tạo hành lang pháp lý cho các HTX tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước là rất cần thiết.
“Thông qua việc lắng nghe, tiếp thu rộng rãi các ý kiến của các cấp, các ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, hệ thống Liên minh hợp tác xã để hoàn thiện việc xây dựng khung khổ pháp lý thống nhất về tổ chức và hoạt động của hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã từ trung ương đến địa phương, đảm bảo sát với thực tiễn, phù hợp mặt bằng năng lực, trình độ và xu thế phát triển của khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã”, Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam khẳng định.
Huyền Anh