Nợ xấu đang quay trở lại ngành ngân hàng. |
PGS.TS Đỗ Hoài Linh, Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, khả năng ngành ngân hàng hoàn thành mục tiêu đưa tổng nợ xấu (tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ) về dưới 3% vào cuối năm 2020 là không khả thi. Dự báo tỷ lệ nợ xấu cả năm 2020 sẽ quanh mức 4%.
Nợ xấu tăng 16,3%
Theo Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, toàn ngành ngân hàng có mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém đã được Chính phủ phê duyệt phương án xử lý).
Chỉ sau gần 3 năm thực hiện Đề án, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng trong giai đoạn 2016-2020 đã được kiểm soát, duy trì ở mức dưới 3% và giảm liên tục qua các năm: cuối năm 2016 về 2,46%; tháng 8/2017 là 2,45%; cuối năm 2017 là 1,99%; cuối năm 2018 là 1,9%; cuối năm 2019 chỉ còn 1,63%.
Trung bình mỗi tháng, hệ thống ngân hàng xử lý được khoảng 7.000 tỷ đồng nợ xấu, trước đó là 3.600 tỷ đồng.
Ngoài ra, việc xử lý nợ xấu tại VAMC cũng có những tiến triển rõ rệt. Theo thống kê của VAMC trong tổng số hơn 20 ngân hàng từng bán nợ cho cơ quan này, hiện có 17 ngân hàng đã mua toàn bộ nợ xấu đã bán trước đây. Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch VAMC cho biết, gần 3 năm qua, tổng nợ xấu VAMC đã xử lý gấp 2 lần từ ngày thành lập và tốc độ xử lý gấp 1,5 lần.
Theo NHNN, dịch bệnh Covid-19 đang tác động trực tiếp đến tình hình hoạt động, chất lượng tài sản và kết quả kinh doanh của tổ chức tín dụng khi tín dụng tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước. Cùng với đó, dịch bệnh làm suy giảm năng lực trả nợ của khách hàng khi đến hạn trong thời gian tới, gia tăng nợ xấu toàn ngành, ảnh hưởng đến kết quả xử lý nợ xấu.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến thời điểm 31/5, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tăng 16,3% so với cuối năm 2019. Tương ứng với tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 1,86%, tăng 0,23 điểm phần trăm so với cuối năm trước (1,63%).Tuy nhiên, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh khiến việc cân đối tài chính trở nên khó khăn, nhiều doanh nghiệp mất khả năng trả nợ, hoặc trả chậm. Vì vậy, đã ảnh hưởng lớn đến việc xử lý nợ xấu theo Đề án.
NHNN đánh giá chất lượng tín dụng toàn ngành có xu hướng suy giảm, nợ xấu đang gia tăng nhanh trong 5 tháng đầu năm 2020, trích lập dự phòng tăng, có thể tác động mạnh đến kết quả hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng trong năm 2020.
Theo ước tính của NHNN dựa trên các kịch bản tăng trưởng GDP năm 2020 khoảng 4%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ước tính đến cuối năm 2020 ở mức 2,41% (tăng 0,78 điểm phần trăm so với cuối năm 2019). Trong trường hợp GDP tăng khoảng 5%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ước tính đến cuối năm 2020 sẽ ở mức 2,16% (tăng 0,5 điểm phần trăn so với cuối năm 2019).
Nợ xấu sẽ tăng mạnh cuối năm 2021?
Các chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, dịch bệnh Covid-19 dự báo còn diễn biến phức tạp, khó lường và tiếp tục ảnh hưởng bất lợi đến phát triển kinh tế xã hội nói chung, cũng như kết quả xử lý nợ xấu.
Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh, mặc dù nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, nhưng hiện vẫn chưa thể xác định chính xác thời điểm phục hồi kinh tế toàn cầu, các tổ chức quốc tế tiếp tục điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng này.
Ông Đông cho biết, thời gian vừa qua, Chính phủ và các ngân hàng đã có nhiều động thái tháo gỡ, gia hạn nợ, miễn giảm lãi hỗ trợ ngời dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh vẫn còn diễn khó lường, nền kinh tế trên thế giới và trong nước không phục hồi thì chắc chắn nợ xấu sẽ tăng lên.
Dưới góc nhìn của ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank, nợ xấu bị tác động không phải là trước mắt, mà sẽ nhìn thấy rõ rệt khi kết thúc dịch, nhất là cuối năm 2021. Đây là bài toán nan giải cho hệ thống ngân hàng.
Thực tế thời gian gần đây, các ngân hàng đang rao bán hàng loạt tài sản thế chấp là ô tô – điều mà ít xảy ra trước đây, bởi ngân hàng chủ yếu bán tài sản thế chấp có giá trị lớn là các dự án bất động sản, nhà máy, kho xưởng…, đã cho thấy quá trình trả nợ và thu hồi nợ của các ngân hàng đang trở nên khó khăn.
Điển hình như: Vietcombank đang rao bán 10 xe Kia Morning với giá từ 60 – 70 triệu đồng/xe; VIB rao bán 59 xe dưới 9 chỗ từ 286 triệu đồng/xe…
Như vậy có thể thấy, nợ xấu được xem là “cục máu đông” của nền kinh tế, không chỉ ngành ngân hàng “đau đầu” tìm cách “phá tan” trong suốt thời gian qua, đang quay trở lại. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng việc dự liệu trước những tác động từ dịch bệnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh để chủ động có phương án xử lý là cách làm hiệu quả để giảm thiểu tác động do nợ xấu gây ra.
Huyền Anh