Diễn biến nợ xấu có xu hướng đi lên tại các ngân hàng thương mại. |
Thống kê tại 23 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2020 cho thấy, chỉ có 5 nhà băng có nợ xấu giảm so với đầu năm, còn lại đều có nợ xấu tăng trong nửa đầu năm nay. Trong đó, một số ngân hàng có nợ xấu tăng gần 80% so với đầu năm.
Nợ xấu ngày càng tăng
Kể từ khi Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu được ban hành, các ngân hàng rất tích cực xử lý nợ xấu qua nhiều hình thức đấu giá, tài sản rao bán khá đa dạng: bất động sản, máy móc, thiết bị sản xuất, các loại ô tô từ bình dân đến xe sang…
Thực tế, ngành ngân hàng đã đạt được những kết quả khá khả quan về xử lý nợ xấu. Theo khảo sát của Thời báo Kinh Doanh, tính đến cuối năm 2019, tổng nợ xấu của 22 ngân hàng được ghi nhận là 78.522 tỷ đồng. Trong cơ cấu nợ xấu, nợ nghi ngờ (nhóm 4) giảm mạnh 18%, trong khi nợ dưới chuẩn (nhóm 3) và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) chỉ tăng nhẹ 3% và 6% so với năm trước.
Đặc biệt, đã có 11 ngân hàng công bố đã sạch nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), được xem là tín hiệu tích cực trong quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống. Khi mua lại nợ xấu “gửi tạm” tại VAMC để tự xử lý, các nhà băng cho thấy đã đủ nguồn lực tài chính để xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên, bước sang năm 2020, mọi thành quả về xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng đã bị “phá vỡ” bởi dịch Covid-19.
Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến ngày 13/7/2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 272.000 khách hàng với dư nợ hơn 210.000 tỷ đồng. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã gia hạn nợ cho gần 154.000 khách hàng với dư nợ hơn 3.884 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75.000 khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy đang có hàng trăm nghìn khách hàng không có khả năng trả nợ do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nếu sau thời gian cơ cấu lại nợ đã hết, các doanh nghiệp không trả được nợ, đồng nghĩa với những khoản nợ này sẽ được chuyển sang nợ xấu.
Trong số 18 ngân hàng có nợ xấu tăng trong nửa đầu năm nay, có nhiều ngân hàng có nợ xấu tăng đến hàng chục phần trăm. Điển hình như VIB, quý II/2020 nợ xấu tăng tới 27,6% so với cuối năm 2019, lên 3.267,2 tỷ đồng. Trong đó, nhóm nợ có khả năng mất vốn ở mức 1.979 tỷ đồng. So với cuối năm ngoái, nợ có khả năng mất vốn của VIB đã tăng 12,6%.
Tương tự, hết quý II/2020, Sacombank ghi nhận tổng nợ xấu nội bảng ở mức 6.682 tỷ đồng, tăng 16,5%. Trong đó, nợ cần chú ý tăng tới 63%, trong khi nợ nhóm 3 cũng tăng gần 3 lần. Điều này khiến ngân hàng phải tăng mạnh 50% trích lập dự phòng trong 6 tháng đầu năm. Qua đó, kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,94% vào cuối năm 2019 lên 2,15%.
Bi đát hơn trong thời gian tới?
Trong khi nợ xấu đang có chiều hướng gia tăng, làn sóng Covid-19 lần thứ 2 được dự báo sẽ tiếp tục giáng đòn mạnh lên các doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong đó, ngành ngân hàng dù không chịu tác động trực tiếp nhưng cũng khó tránh “tổn thương” nặng nề.
Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc OCB đánh giá: “Khi doanh nghiệp khó khăn, ngân hàng khó mà tránh liên lụy được. Chắc chắn hoạt động kinh doanh bị trì trệ, lợi nhuận suy giảm, chất lượng tài sản xấu đi”.
Còn TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, nợ xấu là thách thức lớn nhất trong năm 2020 cũng như vài năm tới của các ngân hàng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Nợ xấu tăng nhưng ngân hàng vẫn phải đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo áp lực không hề nhỏ cho ngân hàng. Chưa kể, ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro làm "bào mòn" lợi nhuận.
Theo tính toán của ông Lực, lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2020 sẽ giảm 20 - 25% so với kế hoạch ban đầu.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) đánh giá, trong bối cảnh khách hàng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, các ngân hàng cũng đang chịu hậu quả nặng nề khi doanh nghiệp không trả được nợ, tiềm ẩn nợ xấu gia tăng và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Trên thực tế, diễn biến nợ xấu có xu hướng đi lên tại các ngân hàng, thậm chí còn được dự báo có thể trở nên bi đát hơn trong thời gian tới.
Tại một hội nghị của ngành ngân hàng, ông Trần Đăng Phi - Phó Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát (NHNN) cảnh báo về khả năng nợ xấu sẽ tăng trong năm nay, dù các ngân hàng trong thời gian qua áp dụng rất nhiều biện pháp như cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, điều chỉnh thời hạn trả nợ.
Theo các kịch bản nợ xấu mà NHNN xây dựng trong đợt dịch Covid-19 lần một, tỷ lệ nợ xấu có thể tăng từ 3% vào cuối năm 2020 lên 3,7% tùy theo diễn biến của dịch bệnh và thậm chí có thể còn cao hơn.
Như vậy, trong bối cảnh nợ xấu quay trở lại sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và khả năng phục hồi của những tổ chức tín dụng yếu kém.
Thanh Hoa