HĐQT Eximbank vừa có nghị quyết miễn nhiệm chức danh Phó chủ tịch HĐQT đối với ông Đặng Anh Mai ngay trước thềm ĐHĐCĐ thường niên 2020 lần hai vào ngày 29/7 vừa qua. |
Thực tế, không phải như thời gian trước, khi ngân hàng có sự thay đổi nhân sự sẽ đi cùng với ít nhiều lo lắng về “sức khoẻ” kinh doanh của nhà băng đó, mà hiện nay xu hướng thay đổi lãnh đạo là bình thường trong hoạt động phát triển ngành ngân hàng. Động thái này được ghi nhận là các nhà băng tái cấu trúc để phục vụ cho chiến lược phát triển của mình.
“Ghế nóng” đổi chủ
Trong bối cảnh ngành ngân hàng đang phải đối mặt với những tác động từ dịch Covid-19, nhưng “ghế nóng” nhà băng không ngừng đổi chủ.
Mới nhất ngày 29/7, SCB công bố thay tổng giám đốc. Theo đó, ông Võ Tấn Hoàng Văn, tổng giám đốc SCB suốt 7 năm qua từ nhiệm và người thay thế là ông Hoàng Minh Hoàn, phó tổng giám đốc phụ trách khối quản trị tài chính và nguồn vốn - làm quyền tổng giám đốc. Sau khi từ nhiệm, ông Võ Tấn Hoàng Văn tiếp tục là thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) SCB nhiệm kỳ 2017 - 2022.
Techcombank cũng vừa công bố thông tin miễn nhiệm chức danh tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Lê Quốc Anh theo nguyện vọng cá nhân sau khi ông Quốc Anh hoàn tất nhiệm kỳ 5 năm tại ngân hàng này kể từ ngày 1/9 tới đây.
Mới đây, vào ngày 25/7, HĐQT Eximbank cũng miễn nhiệm chức danh phó chủ tịch HĐQT đối với ông Đặng Anh Mai.
Trước đó, cuối tháng 6, Eximbank chấp thuận cho ông Cao Xuân Ninh, nguyên chủ tịch HĐQT, từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân và bầu ông Yasuhiro Saitoh, phó chủ tịch HĐQT, làm chủ tịch thay ông Cao Xuân Ninh.
Tương tự, MB vừa thông báo các quyết định bổ nhiệm, thôi giữ chức vụ đối với 2 vị trí chủ chốt để nhận các nhiệm vụ quan trọng và nâng cao năng lực quản trị điều hành tại các công ty thành viên theo phân công của HĐQT.
Cụ thể, bà Nguyễn Minh Châu, thành viên cao cấp Ban điều hành được bổ nhiệm làm phó tổng giám đốc kiêm giám đốc khối Nguồn vốn và Kinh doanh tiền tệ. Ông Uông Đông Hưng thôi giữ chức vụ Phó tổng giám đốc MB để nhận nhiệm vụ Chủ tịch HĐQT chuyên trách tại Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm quân đội (MIC).
Trước đó, đại hội cổ đông diễn ra ngày 24/6 đã bầu bổ sung bà Nguyễn Thị An Bình vào Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2019-2024 nhằm bổ sung nguồn lực chuyên trách thực hiện chức năng giám sát của quản lý cấp cao đối với hoạt động của MB. Bà Bình sẽ thôi giữ chức vụ phó tổng giám đốc MB và nhận nhiệm vụ mới theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông kể từ ngày 24/6/2020.
Xu hướng tất yếu
Dưới góc nhìn của “người trong cuộc” lãnh đạo một ngân hàng thương mại chia sẻ, việc thay đổi nhân sự cao cấp nằm trong kế hoạch kinh doanh và lộ trình tái cơ cấu của mỗi nhà băng. Ngoài ra, quan hệ sở hữu, thay đổi chiến lược cũng là yếu tố tác động đến việc đi và ở của họ.
Trong xu hướng thay đổi nhân sự cấp cao, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng sự xáo trộn ghế nóng trong ngành ngân hàng là bình thường trong hoạt động phát triển ngành ngân hàng hiện nay.
Bên cạnh đó vẫn còn yếu tố thay đổi nhân sự do đổi chủ sở hữu. "Một khi mục tiêu, ý đồ chiến lược của ông 'trùm' ngân hàng thay đổi thì chiếc ghế nóng CEO đổi chủ là điều khó tránh", ông Thành cho hay.
Thực tế, hiện nay phần lớn các ngân hàng thay đổi nhân sự để phù hợp hơn với chiến lược kinh doanh mới. Song cũng có ngân hàng thay đổi nhân sự cao cấp do bất đồng quan điểm từ các cổ đông lớn như trường hợp ở Eximbank.
Ghế nóng của ngân hàng này liên tục thay đổi trong thời gian dài, kể từ khi ông Lê Hùng Dũng, nguyên Chủ tịch Eximbank kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 4/2015.
Những lùm xùm, tranh chấp khiến “ghế nóng” của nhà băng này liên tục đổi chủ, thậm chí có người đảm nhiệm chức vụ cao cấp chưa đầy 2 tháng đã có đơn xin từ chức do các mâu thuẫn, bất đồng giữa các cổ đông/nhóm cổ đông trong nội bộ còn tiếp diễn, chưa thể dung hòa. Do đó, đến nay Eximbank vẫn chưa thể tổ chức Đại hội cổ đông năm 2020, điều này đã gây bức xúc cho các cổ đông.
Nhìn nhận sự khốc liệt của làn sóng thay đổi "ghế nóng" tại các ngân hàng, chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, sự thay đổi đó là tất yếu trong bối cảnh toàn hệ thống ngân hàng đang thực hiện quá trình tái cấu trúc, kèm theo đó là những áp lực về nợ xấu và sức ép hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm.
Với nhu cầu phát triển trong thời kỳ mới, đặc biệt là xu thế hội nhập, theo các chuyên gia, thị trường sẽ còn tiếp tục chứng kiến làn sóng biến động nhân sự mạnh hơn nữa trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng phải điều chỉnh mạnh mẽ kế hoạch kinh doanh do ảnh hưởng bởi Covid-19.
Tuy nhiên, việc nhận “ghế nóng” trong thời điểm này, các lãnh đạo mới được bổ nhiệm cũng sẽ đối mặt với những khó khăn sắp tới của ngành ngân hàng nói chung do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Thanh Hoa