Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết mở rộng tài trợ chuỗi cung ứng là một giải pháp hữu ích, không chỉ giúp các thành viên trong chuỗi cải thiện khả năng cạnh tranh, thu được lợi ích tối đa mà còn tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng kiểm soát được dòng tiền, làm cơ sở mở rộng tín dụng đối với khách hàng tham gia chuỗi cung ứng.
Dư nợ gần 7.000 tỷ đồng
NHNN khẳng định phương thức cho vay theo chuỗi liên kết được Chính phủ khuyến khích và ban hành trong Nghị quyết 14, theo đó NHNN đã ban hành các thông tư hướng dẫn cho các TCTD thống nhất thực hiện cho vay theo chuỗi liên kết. Trong đó, có nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp (DN) như: mức lãi suất cho vay theo chuỗi thấp hơn với lãi suất thông thường 1-1,5%/năm; mức cho vay có thể lên tới 90% giá trị dự án; ngân hàng cũng có thể cho vay không có tài sản đảm bảo dựa trên cơ sở ủy thác độc quyền, được khoanh nợ khi gặp thiên tai, dịch bệnh từ 2-3 năm...
Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho thấy dư nợ cho vay theo chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp đến nay mới chỉ đạt gần 7.000 tỷ đồng. Theo đánh giá của NHNN, kết quả cho vay này còn khá hạn chế.
Các DN cũng khẳng định vấn đề vốn cho các DN khi tham gia chuỗi cung ứng gặp rất nhiều khó khăn. Dù ngân hàng có quy định các DN hoạt động theo chuỗi sẽ được vay tín chấp, nhưng trên thực tế, DN muốn tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng thường phải có tài sản thế chấp (chủ yếu là bất động sản), còn hình thức vay tín chấp trong chuỗi cung ứng hiện vẫn chưa phát triển.
Theo thống kê của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp), số lượng các đăng ký giao dịch bảo đảm bằng các khoản phải thu và hàng tồn kho chỉ chiếm khoảng 30% tổng số các đăng ký giao dịch bảo đảm tại Việt Nam, thấp hơn đáng kể so với các thị trường phát triển hơn.
Ngoài ra, lãi vay cũng khá cao, làm tăng giá chi phí, giá thành sản phẩm, khiến DN khó cạnh tranh trên thị trường. Ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Tổng giám đốc công ty TNHH Tiến Thịnh, cho biết các DN nước ngoài được vay vốn với lãi suất rất thấp, nên việc trả chậm trong 3 - 6 tháng là bình thường. Trong khi đó, các DN Việt Nam phải vay với lãi suất lên tới 10%/năm, nếu chờ 3 - 6 tháng sau khi bán hàng mới được thanh toán thì không thể cầm cự nổi.
Ngân hàng chưa dám “rộng tay” cho vay theo chuỗi cung ứng |
Ngân hàng chưa dám “rộng tay”
Trả lời cho thắc mắc của các DN về việc tại sao ngân hàng Việt Nam khó cho vay tín chấp cũng như chưa mở rộng cho vay theo chuỗi, lãnh đạo một số ngân hàng thương mại khẳng định: Các ngân hàng đều muốn mở rộng tài trợ vốn theo chuỗi cung ứng, song quá trình triển khai đang vấp phải nhiều vấn đề khiến họ chưa dám “rộng tay” cho vay.
Đầu tiên là việc DN đầu mối và các bên trong chuỗi liên kết chưa thực hiện mở tài khoản, cũng như thực hiện các giao dịch tiền tệ liên quan đến chuỗi thông qua các tài khoản này.
Hiện tượng vi phạm hợp đồng giữa các bên còn khá phổ biến. Nhiều công ty chưa minh bạch “sức khỏe” tài chính, đối với những công ty chưa niêm yết trên sàn thì báo cáo tài chính chưa được kiểm toán, nên ngân hàng vẫn phải dựa vào tài sản đảm bảo.
Ngoài ra, công cụ phòng rủi ro cho vay chưa được đẩy mạnh, chưa có hành lang pháp lý đối với cơ chế dự phòng xử lý khi rủi ro xảy ra.
Dẫu vậy, một số ngân hàng cho biết có nhiều DN vay vốn theo chuỗi cung ứng khá thuận lợi, bởi đáp ứng được quy định hồ sơ vay vốn.
Theo đại diện VPBank, vài năm trở lại đây, mô hình tài trợ theo chuỗi cung ứng đã được VPBank mạnh dạn triển khai và thu được kết quả ban đầu rất khả quan. Một trong số những dự án tài trợ điển hình là VPBank ký kết hợp đồng hợp tác toàn diện với Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).
“Nếu mỗi DN trong chuỗi cung ứng được cung cấp vốn đầy đủ, được hỗ trợ dịch vụ ngân hàng tốt thì sẽ vận hành suôn sẻ và thúc đẩy sự vận hành thuận lợi của toàn bộ chuỗi, qua đó đem lại thành công cho sự hợp tác giữa các bên”, lãnh đạo VPBank cho hay.
Theo quan điểm của các chuyên gia, cho vay theo chuỗi cung ứng là lĩnh vực vẫn còn mới mẻ đối với các ngân hàng. Do đó, để việc cho vay theo chuỗi cung ứng đạt hiệu quả cần có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ ngành, địa phương trong việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến sản xuất nông nghiệp và liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là cần có các giải pháp liên kết gắn với tiêu thụ bằng việc hợp tác với các DN đầu tàu…
Bên cạnh đó, các ngân hàng phải nâng cao hiểu biết nhận thức và hiểu rõ hơn về tài trợ chuỗi để tư vấn cho các DN. Quan trọng là ngân hàng phải phân tích được chu kỳ thương mại của DN, phải hiểu được nhu cầu của DN để từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp với thực trạng hiện nay.
Hoàng Hà