Bà Lê Thị Phương Hoa, Giám đốc quan hệ chính phủ của công ty TNHH Cargill Việt Nam, thuộc Tập đoàn Cargill của Mỹ chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN), cho biết xung đột thương mại hiện nay trên thế giới đã ảnh hưởng đến ngành hàng “chuỗi cung ứng toàn cầu” của công ty.
Sức ỳ phía sau
Đây là ngành hàng lâu đời và chủ chốt của Cargill với mỗi năm cung cấp khoảng 2 triệu tấn ngô, đậu tương, lúa mì cho các nhà máy sản xuất TĂCN tại Việt Nam.
Trước đây, khi chưa xảy ra thương chiến Mỹ – Trung, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu rất lớn các mặt hàng lúa mì và đậu tương của Mỹ. Thế nhưng hiện nay, chiến tranh thương mại đã làm chuỗi cung ứng dịch chuyển.
Do đó, theo bà Hoa, phía Cargill đang muốn tận dụng cơ hội này, bởi vì sẽ tìm được các nhà cung cấp với giá cả cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, công ty lại gặp một vướng mắc về mặt chính sách ở Việt Nam, nên chưa thực sự tận dụng được cơ hội như mong muốn.
Đơn cử những quy định từ Bộ NN&PTNT về cỏ kế đồng lẫn trong những lô hàng nhập khẩu lúa mỳ từ Mỹ và Canada về Việt Nam.
Vị giám đốc của Cargill Việt Nam bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý cần có những chính sách phù hợp hơn để làm sao giúp doanh nghiệp (DN) tận dụng được cơ hội tốt hơn. Đặc biệt là khi môi trường đầu tư ở Việt Nam được đánh giá là khá ổn định, cùng với các nguồn lực tốt để các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rót vốn mở rộng nhà máy hoặc dịch chuyển nhà máy về Việt Nam.
Điển hình như trường hợp Tập đoàn Cargill đang xin giấy phép đầu tư một nhà máy sản xuất vitamin và khoáng chất thức ăn bổ sung ở tỉnh Đồng Nai với công suất 600.000 tấn/năm nhằm phục vụ cho chính các nhà máy sản xuất TĂCN của Tập đoàn trong khu vực.
Hoặc như chia sẻ của ông Matt Bleiman, Giám đốc phát triển Tập đoàn AES (một DN năng lượng của Mỹ): “Việt Nam đang có một môi trường kinh doanh tốt nên nhiều nhà đầu tư dịch chuyển chuỗi cung ứng, mang vốn đến làm ăn là lẽ đương nhiên”.
Tuy thế, theo ông Matt, vẫn có một số sức ỳ ở phía sau. Mặc dù vậy, sức ỳ này không vượt khỏi tầm kiểm soát của Chính phủ Việt Nam. Vấn đề là Việt Nam cần xem xét đến bức tranh toàn cầu, đến các xung đột thương mại và với tư cách là thị trường mới nổi thì Việt Nam sẽ vượt khỏi những khủng hoảng của kinh tế toàn cầu.
“Chẳng hạn như việc hợp tác thiết lập chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khí giữa AEA và PV Gas của Việt Nam với kế hoạch xây dựng một cổng nhập khẩu khí gas thiên nhiên tại Việt Nam có tính ổn định và lâu dài. Chúng tôi rất hào hứng về tương lai từ Việt Nam sẽ xuất khẩu gas đến nhiều quốc gia trên toàn cầu”, ông Matt nói.
“Đón sóng” dịch chuyển chuỗi cung ứng |
Chuẩn bị tốt các điều kiện
Tuy chưa phải thuộc nhóm dẫn đầu các quốc gia đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, nhưng số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho thấy dòng vốn từ Mỹ rất khả quan.
Tính riêng nửa đầu năm nay, Mỹ xếp thứ 11/131 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ USD. Trong đó, có hơn 3 tỷ USD đầu tư cho công nghiệp chế biến, chế tạo và 262 triệu USD cho lĩnh vực vận tải, kho bãi trong ngành logistics phục vụ chuỗi cung ứng.
Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 8 tháng đầu năm nay, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 15,74 tỷ USD, chiếm 69,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Trước xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu vào Việt Nam như hiện nay, nhiều vấn đề được đặt ra là sẽ tác động đến Việt Nam như thế nào, chỗ đứng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu ra sao?
Mặt khác, các DN Việt Nam cần làm gì để tăng giá trị khi tham gia chuỗi cung ứng? Chính sách và hành động của Chính phủ để DN có vị thế tốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu?
Ts. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, lưu ý trước sự dịch chuyển dòng vốn FDI, Việt Nam đối mặt không ít thách thức khi mà công suất xuất khẩu không thể tăng nhanh trong bối cảnh tác động dài hạn của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung có ảnh hưởng tiêu cực.
Ngoài ra, đó còn là thách thức về mặt cạnh tranh với các nước ASEAN trong định hình chuỗi cung ứng. Việt Nam cũng có nguy cơ gia tăng FDI kém chất lượng.
Theo khuyến nghị của ông Thắng, Việt Nam cần chuẩn bị tốt hơn các điều kiện để tiếp nhận làn sóng đầu tư chất lượng cao và đầu tư vào công nghiệp phụ trợ. Đồng thời, khâu chính sách cần nghiên cứu tận dụng làn sóng dịch chuyển với cổ phần hoá DN nhà nước và việc đầu tư theo hình thức mua bán và sáp nhập (M&A).
Hơn thế nữa, các nhà quản lý cần lưu tâm việc tận dụng cơ hội cũng như thách thức từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng để cải thiện chuỗi cung ứng của Việt Nam. Đồng thời, cần hoàn thiện các quy định về dự phòng rủi ro đối với các DN đầu tư trong nước.
Thế Vinh