Những cuộc kết nối theo phương thức B2B giữa doanh nghiệp (DN) với DN nhằm tìm hiểu nhu cầu về số lượng, chất lượng cũng như tiêu chuẩn sản xuất đang được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng Nhật tốt hơn.
Tăng tính liên kết
Đơn cử như hội thảo kết nối DN cơ khí phụ trợ của Trung tâm hỗ trợ DN vừa và nhỏ Tokyo (Tokyo SME Support Center) tổ chức ở Tp.HCM cuối tuần qua. Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển CNHT Tp.HCM, cho biết đây là hoạt động rất tốt nhằm tăng tính liên kết để các DN Việt tham gia chuỗi cung ứng Nhật.
14 DN vừa và nhỏ của Nhật Bản trong lĩnh vực cung ứng máy móc thiết bị đến Việt Nam lần này với sự hỗ trợ của Tokyo SME Support Center. Bên cạnh việc tìm kiếm những nhà phân phối, các DN Nhật cũng mong muốn tìm kiếm các đối tác Việt để thực hiện những hợp đồng gia công cho họ trong lĩnh vực CNHT như chế tạo kim loại, điện tử và cao su kỹ thuật.
“Đây là một sự liên kết có tiềm năng rất tốt cho các DN sản xuất CNHT nhỏ và vừa của Việt Nam để liên kết với các DN Nhật Bản”, bà Oanh khẳng định.
Bởi lẽ, trong mô hình liên kết giữa các DN Việt với Nhật Bản, đặc biệt là DN vừa nhỏ trong lĩnh vực CNHT được đánh giá là khá phù hợp trong mô hình sản xuất.
Bà Oanh cho rằng các công ty Nhật rất quan tâm về chất lượng cũng như sử dụng triết lý Kaizen và nguyên tắc 5S trong lao động, trong khi các DN CNHT của Việt Nam cũng đã có sự chuẩn bị và đang tích cực cải thiện hoạt động sản xuất, cam kết những vấn đề về mặt chất lượng sản phẩm.
Còn dưới góc nhìn từ phía các công ty Nhật, trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, bà Y.Hokkirigawa, phụ trách xúc tiến kinh doanh quốc tế của Tokyo SME Support Center, cho biết mục đích của các DN vừa và nhỏ của Nhật trong lĩnh vực cung cấp máy móc thiết bị là muốn sản xuất ngay tại thị trường Đông Nam Á và họ chọn Việt Nam cho hoạt động này, nhất là có tiềm năng về ủy thác gia công.
Giữa nhà cung cấp Việt với DN Nhật còn thiếu thông tin lẫn nhau |
Thiếu thông tin lẫn nhau
“Chúng tôi muốn bán sản phẩm tốt với giá cả rẻ hơn, mà việc đó chỉ có thể làm ở các thị trường trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Với những kỹ thuật tiên tiến ở Nhật, chúng tôi muốn tìm những nhà cung ứng phụ trợ ở Việt Nam có thể đáp ứng được những yêu cầu đó nhằm kết nối với nhau”, bà Y.Hokkirigawa chia sẻ.
Cũng theo bà Y.Hokkirigawa, điều này đòi hỏi các nhà cung cấp Việt phải đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn Nhật. Tất nhiên là còn cần sự giao tiếp thường xuyên với nhau giữa các DN Việt với DN Nhật để trao đổi thông tin và đạt đến mức độ mà cả hai bên đều có thể thoả thuận được.
Có thể thấy, việc các DN nhỏ của Nhật Bản tìm đến các DN nhỏ của Việt Nam trong lĩnh vực CNHT với mong muốn hợp tác thực hiện các hợp đồng uỷ thác gia công là điều đáng khích lệ. Đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ mua hàng trong nước của các DN Nhật tại Việt vẫn còn khá khiêm tốn, hiện chỉ vào khoảng 33% hoặc thấp hơn.
Tuy nhiên, việc mua hàng trong ngành CNHT của các DN Nhật thực ra vẫn còn rất khó khăn. Thậm chí, như băn khoăn của ông Frank Weiand, Giám đốc hợp phần liên kết DN nước ngoài thuộc Dự án kết nối DN nhỏ và vừa của Tổ chức USAID, đó là DN Nhật khi chọn đầu tư vào Việt Nam đã mang theo cả một hệ sinh thái các nhà cung ứng và các DN nhỏ và vừa của riêng mình, chứ không mở cửa cho các DN nhỏ và vừa của Việt Nam.
Còn theo ông Idei Ippei, nhà nghiên cứu cấp cao của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Việt Nam, thời gian giao hàng và chất lượng sản phẩm vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu là điều nhiều DN Nhật còn lo ngại với các nhà cung ứng Việt.
Thực tế cho thấy, phía cầu là các DN Nhật thuộc dạng nhỏ vẫn còn lưỡng lự để mua hàng của các nhà cung cấp Việt, do họ thiếu hẳn những thông tin cần thiết về các nhà cung cấp Việt phù hợp với mình.
Ngược lại, một kết quả khảo sát gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) về việc tham gia chuỗi cung ứng của các DN vừa và nhỏ Việt Nam cũng chỉ rõ tình trạng các nhà cung ứng Việt thiếu thông tin về yêu cầu của người mua.
Cụ thể là DN Việt không biết liên hệ với người mua nào, cũng như các DN thiếu ý tưởng rõ ràng về năng lực cần có để có thể liên kết được với các công ty đa quốc gia.
Trở lại vấn đề giao lưu kết nối giữa các DN nhỏ Việt Nam và Nhật Bản nhằm có các hợp đồng uỷ thác gia công, theo khuyến cáo của giới chuyên gia, để thúc đẩy các DN nhỏ tham gia chuỗi cung ứng Nhật thì nhất quyết các nhà cung cấp Việt cần phải có đủ năng lực cạnh tranh và đáp ứng tốt.
Còn nếu không, DN Nhật có thể sẽ tìm kiếm và liên kết với các DN ở nước khác trong khu vực có khả năng cung cấp đầu vào một cách nhất quán (về chất lượng, số lượng, giá cả) và kịp thời gian để sản xuất ra thành phẩm rồi tiêu thụ tại thị trường Việt Nam trong sự tiếc nuối của các nhà cung cấp Việt.
Thế Vinh