Xây dựng NTM theo hướng thông minh
Thuật ngữ “nông nghiệp 4.0” chỉ mới được đề cập đến tại Việt Nam trong vòng vài năm trở lại đây nhưng cũng như các ngành kinh tế khác, bản chất của nó chính là nông nghiệp thông minh hay nông nghiệp số thì đã không còn xa lạ với chúng ta. Đặc trưng cơ bản của nông nghiệp 4.0 là số hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh từ nông trại đến chế biến, marketing và tiêu dùng thông qua hệ thống kết nối internet vạn vật, kết hợp các hệ thống điều hành và tác nghiệp tập trung, tự động hóa và thông minh giữa công nghệ vật lý, công nghệ sinh học và công nghệ điều hành đảm bảo cho quá trình sản xuất – kinh doanh diễn ra liên tục, hiệu quả và bền vững.
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương; tạo cơ sở để nông dân và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới; qua đó đã nâng cao thu nhập, huy động được sức dân, góp phần quan trọng đẩy nhanh quá trình thực hiện các mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới.
Có thể nói sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là phương thức sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường. Trong giai đoạn phát triển mới, hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm đưa ra thị trường các sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn cho người tiêu dùng là một đòi hỏi khắt khe và cũng đang là một xu thế tiêu dùng mới.
Ứng dụng công nghệ 4.0
Lâm Đồng là địa phương đi đầu trong xây dựng NTM ở Tây Nguyên. Thời gian tới, để tiếp tục duy trì là ngọn cờ đầu trong chương trình, tỉnh xác định ưu tiên ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp, giúp các huyện, xã nâng cao các tiêu chí.
Lâm Đồng chú trọng xây dựng NTM ứng dụng công nghệ 4.0 |
Ông Nguyễn Đình Khoát - Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục, “có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Các xã, huyện đã đạt chuẩn cần tiếp tục duy trì và nâng cao những kết quả đạt được, hướng tới xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu”.
Cũng theo ông Khoát, tỉnh Lâm Đồng đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 20% số xã đạt NTM nâng cao và 10% số xã đạt NTM kiểu mẫu. Hiện nay, huyện Đơn Dương là một trong 4 huyện điểm của cả nước, được Trung ương lựa chọn thí điểm xây dựng mô hình huyện NTM kiểu mẫu về “Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh” giai đoạn 2019 - 2025.
Ứng dụng công nghệ 4.0 trong xây dựng NTM kiểu mẫu, trên thực tế chủ yếu là ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh vào sản xuất nông nghiệp ở những địa phương đang xây dựng NTM kiểu mẫu.
Tính đến tháng 6/2019, toàn tỉnh Lâm Đồng đã có 90/116 xã đạt chuẩn NTM (đạt 77,59%), bình quân đạt 18,07 tiêu chí/xã. Từ năm 2015 đã không còn xã dưới 5 tiêu chí và đến nay không còn xã dưới 10 tiêu chí. Địa phương có 1 huyện đạt chuẩn NTM là Đơn Dương.
Điều quan trọng khi huyện Đơn Dương muốn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về nông nghiệp 4.0 là cần quy hoạch và đầu tư hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, địa phương cần phát triển sản phẩm chủ lực gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Bên cạnh đó, huyện Đơn Dương cần phát triển các mô hình liên kết sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Cụ thể, huyện cần xây dựng và củng cố các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp, tập trung củng cố các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, hoa, bò sữa.
Ngoài ra, địa phương cần tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến và thu hút đầu tư của các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp thông minh. Tạo điều kiện pháp lý để có những ưu đãi về thuế, đất đai, thủ tục, nhằm thu hút đầu tư của các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh.
Nhật Nam