Nhờ ý thức rõ được vai trò, trách nhiệm của mình, nên trải qua chặng đường 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, tỉnh Nam Định đã bứt phá trở thành một trong hai tỉnh (Nam Định, Đồng Nai) NTM đứng đầu cả nước với 100% số xã đạt chuẩn. Diện mạo nông thôn khởi sắc rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.
Phát huy vai trò chủ thể của người dân
Hải Hậu là huyện đi đầu trong xây dựng NTM của tỉnh Nam Định, đạt mục tiêu NTM từ năm 2015 và là một trong bốn đơn vị cấp huyện của cả nước được chọn thí điểm xây dựng NTM kiểu mẫu. Khắp các con đường từ cánh đồng đến ngõ xóm được trải bê tông phẳng phiu, rộng rãi. Hai bên đường cây xanh tỏa bóng bên dưới được người dân trồng hoa cúc, hoa mười giờ và được chăm sóc tỉ mỉ nhìn như những dải lụa. Chị Nguyễn Thị Hồng, xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu cho biết: “Quê tôi đường nối đường, không có đường cùng ngõ cụt, về đêm điện thắp sáng trưng chả khác gì thành phố”.
Huyện Vụ Bản (Nam Định) đạt chuẩn nông thôn mới |
Được biết, từ vốn hỗ trợ ban đầu của huyện là 20 - 50%, các cấp ban ngành đã vận động bà con xây dựng hệ thống đường nông thôn đến từng cụm dân cư, trên tinh thần dân tự bàn bạc, tự triển khai làm từ khâu giải phóng mặt bằng, thi công và quyết toán... và sau khi hoàn thành tự bảo quản. Nhờ thế, người người tham gia góp công sức và của cải xây dựng NTM. Người người truyền cảm hứng, cụm này làm được, cụm khác học theo, cứ thế thành công của một cụm dân cư lan tỏa ra toàn tỉnh Nam Định, không chỉ trong lĩnh vực giao thông mà trong mọi mặt của đời sống xã hội.
Nam Định được biết đến là một tỉnh có nguồn thu chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Với xuất phát điểm đó, khi bắt tay xây dựng NTM tỉnh gặp nhiều khó khăn như thu ngân sách của tỉnh thấp nên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, quỹ đất hạn hẹp, mật độ dân số đông nên thu hút đầu tư vào nông nghiệp để chuyển đổi cơ cấu còn khó khăn, thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra...
Tính đến tháng 6/2019, tổng số vốn huy động trong toàn tỉnh để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đạt 21.920 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 26,3%, còn lại là nguồn vốn huy động từ cộng đồng dân cư và các nguồn vốn hợp pháp khác. Thông qua dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp và phong trào giải phóng mặt bằng, các hộ nông dân đã góp 2.897ha đất nông nghiệp (giá trị khoảng 6.000 tỷ đồng) và hiến 206ha đất thổ cư (giá trị trên 1.000 tỷ đồng) làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, các công trình phúc lợi,... Nhờ đó thu nhập của người dân ở nông thôn được nâng lên. Cụ thể thu nhập bình quân năm 2018 tăng hơn 3,5 lần so với năm 2010, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn giảm còn 1,35 lần; đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn dưới 2%. Hộ có thu nhập chính ngoài nông nghiệp chiếm trên 80%.
Ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Nam Định, cho biết thế mạnh vượt trội của tỉnh đó là người Nam Định có truyền thống hiếu học, cần cù lao động sáng tạo, đoàn kết, chinh phục thiên nhiên và khát vọng vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, giàu đẹp... “Tỉnh chủ trương cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị là phát huy vai trò của người dân, lấy dân làm chủ thể và dựa vào sức dân theo phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”, ông Hoan cho biết.
Cần chung sức, đồng lòng
Tuy đạt được nhiều kết quả vượt trội trong 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2020 so với nhiều địa phương khác trong cả nước, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Định cũng nhận rõ một số khó khăn còn tồn tại. Cụ thể, về tốc độ tăng trưởng kinh tế nông nghiệp của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, chủ yếu là kinh tế hộ, chuyển dịch cơ cấu sản xuất chưa mạnh. Chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông sản chưa cao; công nghiệp chế biến, dịch vụ ở nông thôn phát triển chưa đồng đều; giá trị xuất khẩu thấp. Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp có chuyển biến tích cực nhưng kết quả chưa cao. Kinh tế nông nghiệp chưa thực sự phát triển bền vững.
Quang cảnh nông thôn mới ở huyện Ý Yên |
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn tuy được đầu tư, nâng cấp nhưng một số lĩnh vực chưa theo kịp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Ở một số địa phương chưa phát huy tốt vai trò của nhà văn hóa thôn, xóm để phục vụ người dân. Mặc dù hầu hết các xã đều có khu xử lý rác thải sinh hoạt, nhưng về lâu dài phải xây dựng các khu xử lý rác thải tập trung liên xã hoặc liên huyện với công nghệ hiện đại. Công tác bảo vệ môi trường tại một số làng nghề chưa thực sự bền vững.
Điều mà Đảng bộ, chính quyền tỉnh Nam Định quan tâm là các giải pháp để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân cả vật chất lẫn tinh thần, đặc biệt là thu nhập của người dân phải tăng dâng qua hàng năm, bởi dân có giàu thì nước mới mạnh. Chính vì thế, tỉnh Nam Định đề nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất, thu hút đầu tư. Đồng thời, ban hành cơ chế chính sách ưu tiên phát triển hạ tầng kinh tế xã hội cho các địa phương được giao nhiệm vụ giữ ổn định quỹ đất sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và cơ chế đảm bảo lợi ích cho người trồng lúa.
“Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân phải chung sức, đồng lòng, có nhiều đóng góp tâm huyết cả về trí tuệ, nguồn lực kinh tế, nguồn lực con người để cùng với Đảng bộ, chính quyền nâng cao hơn nữa đời sống của chính người dân, đưa Nam Định ngày càng phát triển bền vững”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan mong muốn.
Vân Hồng