Trong khi người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng thịt thỏ và có xu hướng cung không đủ cầu, giá cả luôn tăng thì tại xã Điện Hòa lúc bấy giờ chỉ có 4 hộ chăn nuôi thỏ mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Nhận thấy cần phải liên kết làm ăn mới hiệu quả, Đoàn xã Điện Hòa vận động thanh niên đang chăn nuôi thỏ tìm hướng phát triển mới.
Phát huy trí tuệ tập thể
THT chăn nuôi thỏ Thành Đạt chính thức đi vào hoạt động với 5 thành viên (Ảnh: TL) |
Để phát huy được trí tuệ tập thể tham gia sản xuất, tránh cảnh từng người làm ăn manh mún, cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến “mất cả chì lẫn chài”, tháng 6.2015, THT do UBND xã Điện Hòa ra quyết định thành lập chính thức đi vào hoạt động với 5 thành viên là đoàn viên thanh niên đang có mô hình chăn nuôi thỏ trên địa bàn xã.
Tại thời điểm mới thành lập, số lượng thỏ của THT là hơn 1.000 con. Lĩnh vực kinh doanh chủ yếu là chăn nuôi, cung cấp thỏ giống, thỏ thịt và thỏ thành phẩm.
THT ra đời nhằm tạo mối liên kết giữa các thanh niên làm kinh tế, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, tạo điều kiện cho thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế, hỗ trợ phương tiện, kỹ thuật, phương thức sản xuất, kinh doanh để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Được biết, trước khi ra đời THT, đoàn xã đã họp các hộ chăn nuôi xây dựng phương án kinh doanh, ký kết hợp đồng hợp tác thống nhất các quyền và nghĩa vụ của các thành viên. Người đứng đầu tổ chức được phân công, phân nhiệm rõ ràng.
Theo đó, Tổ trưởng Nguyễn Hữu Bình chịu trách nhiệm chung, nắm bắt toàn bộ quá trình chăn nuôi và số lượng thỏ tại THT. Tổ phó gánh vác nhiệm vụ tìm kiếm đối tác tiêu thụ, dự báo tình hình đầu ra sản phẩm. Mọi thành viên trực tiếp chăm sóc, báo cáo tình hình chăn nuôi tại trang trại đến với tổ trưởng, tổ phó để nắm bắt dễ dàng tiêu thụ sản phẩm và phòng chống dịch bệnh.
Tiếp đó, THT đã phối hợp cùng đoàn xã tham quan mô hình HTX chăn nuôi thỏ kiểu mới tại Nam Hải Vân (TP.Đà Nẵng). Nhờ đó, họ nâng cao được kỹ năng chăn nuôi, xử lý dịch bệnh ở đàn thỏ.
Hướng tới mở rộng quy mô
Từ lúc "chập chững" đến nay, luôn song hành dìu dắt THT chính là sự hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền xã Điện Hòa, các ban ngành liên quan.
Anh Nguyễn Hữu Bình chia sẻ: “Tổ được cấp thuốc thú y, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh, tiếp cận những kênh vay vốn phù hợp. Nhờ vậy, chúng tôi mạnh dạn mở rộng quy mô chuồng trại kinh doanh thỏ”.
Mô hình chăn nuôi thỏ của THT nuôi thỏ Thành Đạt (Ảnh: TL) |
Trong quá trình làm việc, các thành viên chia sẻ với nhau kinh nghiệm chăn nuôi và đặc biệt là cách phòng và chữa bệnh cho đàn thỏ. Đến nay, THT đã áp dụng thành công mô hình ứng dụng xử lý phân và nước tiểu bằng chế phẩm sinh học, nhờ thế, vấn đề môi trường luôn được đảm bảo.
Bên cạnh đó, THT đã thành lập chuỗi cung ứng, thu mua thỏ tận nơi. Vì vậy các thành viên không còn lệ thuộc để rồi bị tư thương ép giá như trước. Giá cả đầu ra luôn ổn định, thu nhập bình quân của mỗi thành viên 6 - 15 triệu đồng/tháng. Hàng năm, tổ cung cấp ra thị trường trong và ngoài thị xã hơn 1.000 con thỏ giống, hơn 6 tấn thỏ thịt.
Ngoài ra, Hội Liên hiệp thành niên xã đã phối hợp với công an xã và THT tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề về chăn nuôi thỏ cho thanh niên hoàn lương, thanh niên xuất ngũ và thanh niên chưa có việc làm.
Hiện, Điện Hòa có gần 20 thanh niên và một số hộ dân chăn nuôi thỏ. Còn THT có tổng cộng 9 thành viên. Để nhân rộng thêm, đoàn xã tham mưu chính quyền địa phương trao 400 con thỏ giống cho các gia đình thanh niên.
Thời gian tới, mô hình THT sẽ được Ban thường vụ Thị đoàn nhân rộng trên địa bàn xã Điện Hòa và trên địa bàn toàn Thị xã.
Nguyễn Đan