Là sản phẩm đặc trưng của thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa, rau (rong) câu chỉ vàng sinh trưởng nhiều trong tự nhiên ở vùng ít sóng gió, sinh trưởng mạnh ở các đìa, ao nuôi tôm nước lợ. Rau câu chỉ vàng có thể sử dụng trộn gỏi, ăn với rau sống, nấu thạch, nấu xu xoa giải khát...
Nuôi trồng xen ghép
Trước đây, thôn Hòa Bình có hơn 20 hộ khai thác, nuôi trồng rong câu, nay chỉ còn gần 10 hộ bám trụ. Mặc dù có thu nhập tạm ổn nhưng giá trị từ nuôi trồng, khai thác rau câu vẫn thấp hơn con tôm thẻ chân trắng và nhiều loài vật nuôi khác nên chưa được đầu tư bài bản.
![]() |
Rau câu chỉ vàng được sản xuất theo phương thức truyền thống với quy mô nhỏ lẻ, manh mún nên cần được đầu tư chế biến sâu (Ảnh: TL) |
Nhận thấy hiệu quả từ nuôi trồng xen ghép, người dân của thôn đã đầu tư nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng với rau câu chỉ vàng trong ao nuôi tôm. Không chỉ vậy, nhiều hộ còn tận dụng các cánh đồng, đìa, ao nuôi tôm kém hiệu quả để thả rau câu, mang lại thu nhập tương đối ổn định.
Bên cạnh thu hoạch rau câu tự nhiên trong môi trường, các ao nuôi tôm, vùng nước lợ, người dân Hòa Bình còn thả giống rau câu vào hồ, ao nuôi tôm. Nếu thời tiết, nguồn nước đảm bảo, mỗi cọng rau câu thả xuống ao sau mấy tháng sẽ cho thu nhập vài cân.
Dù chỉ là nghề phụ, song rau câu cho thu nhập từ vài chục triệu đồng tới khoảng 100 triệu đồng/năm/hộ với giá bán 80.000 - 120.000 đồng/kg. Nghề trồng và khai thác rau câu lại khá ổn định, không thất thường như con tôm và nhiều vật nuôi trồng khác.
Bà Lê Thị Thuận (thôn Hòa Bình) cho biết, để cho ra 1kg rau câu khô phải mất 8kg rau tươi. Dù đây là nghề nhẹ nhàng, song quá trình phơi rau câu, đóng bao cũng rất công phu, phải canh nắng, theo dõi thời tiết, tránh để mưa giông làm ảnh hưởng đến chất lượng rau câu.
Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết nông dân canh tác loại rau này theo phương thức truyền thống với quy mô nhỏ lẻ, manh mún và chủ yếu bằng thủ công, chưa áp dụng công nghệ tiên tiến, dẫn đến năng suất thấp, chất lượng chưa cao, chưa tận dụng được hết nguồn khai thác.
Đặc biệt, do chưa chú trọng khâu xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và không thiết lập được hệ thống phân phối nên việc tiêu thụ rau câu của nông dân gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.
Theo bà Nguyễn Thị Bốn (thôn Hòa Bình), rau chỉ được bán thô sau khi rửa, phơi khô, đóng gói chứ chưa được gắn nhãn mác, chưa thể vào siêu thị nên giá cả còn thấp.
Đầu tư công nghệ chế biến sâu
Đến nay, thương hiệu rau câu chỉ vàng mới được công nhận nhãn hiệu tập thể, nhưng việc quảng bá, phát triển nhãn hiệu còn bị bỏ ngỏ. Bên cạnh đó, người dân vẫn chưa tạo được sản phẩm đặc trưng và chưa có sự hỗ trợ, đầu tư công nghệ sơ chế, chế biến sâu.
Được sự hỗ trợ từ chính quyền, HTX nông nghiệp Tam Hòa và nông dân địa phương đang tích cực phối hợp thực hiện dự án sản xuất - chế biến - tiêu thụ rau câu chỉ vàng, hướng đến xây dựng chuỗi sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) mang tính hàng hóa tập trung.
![]() |
Sản phẩm "Rau câu chỉ vàng" tham gia OCOP (Ảnh: TL) |
Theo lãnh đạo UBND xã Tam Hòa, thực hiện Chương trình OCOP, địa phương xác định rau câu chỉ vàng là sản phẩm thế mạnh, có thể phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Do đó, xã xúc tiến xây dựng dự án sản xuất - thu mua - chế biến - tiêu thụ rau câu chỉ vàng Tam Hòa.
Dự án này có tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng, trong đó vốn nông thôn mới 360 triệu đồng, vốn từ Chương trình OCOP 670 triệu đồng, vốn khuyến công 70 triệu đồng, vốn đối ứng của HTX nông nghiệp Tam Hòa 220 triệu đồng, còn lại huy động từ các nguồn khác. Thời gian triển khai dự án trong vòng 28 tháng.
Thực hiện dự án, HTX nông nghiệp Tam Hòa đã liên kết với 40 hộ dân ở địa phương. Quy mô diện tích sản xuất rau câu chỉ vàng theo dự án là 30ha, tại khu vực cồn Ngao thuộc thôn Hòa Bình.
Theo đó, các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ một phần kinh phí cải tạo ruộng ao, mua sắm lưới phơi nhưng phải đảm trách khâu lựa chọn cây giống, chăm sóc, thu hoạch đảm bảo vệ sinh và không để lẫn các tạp chất gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, HTX nông nghiệp Tam Hòa chịu trách nhiệm thu mua toàn bộ sản phẩm theo phương thức bao tiêu và tổ chức chế biến, đóng gói, bảo quản, tiêu thụ.
Theo tính toán, dự án sẽ giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho ít nhất 150 lao động nông thôn, hộ trực tiếp tham gia mô hình có mức thu nhập bình quân 80 triệu đồng/ha/năm và lợi nhuận của HTX nông nghiệp Tam Hòa đạt được hơn 150 triệu đồng/năm.
Nhật Nam