Chuyện của người đi tiên phong
Vốn sinh ra và lớn lên trong gia cảnh nghèo khó, lại sớm mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ nên tuổi thơ Alăng Lơ gắn liền với núi rừng Quảng Nam. Nhưng như người ta vẫn nói " ông Trời không lấy của ai tất cả", với tố chất lanh lợi, siêng năng và ham học hỏi nên từ nhỏ Alăng Lơ đã tỏ ra là một cậu bé có năng khiếu trồng và ươm giống các loại cây của núi rừng, đặc biệt là các loại thảo duợc được câu bé Alăng Lơ rất yêu thích và tìm hiểu. Bản tính ngoan ngoãn, học giỏi, chịu thương chịu khó đã giúp Alăng Lơ trở thành tấm gương sáng của làng Achoong sau này.
Anh Alăng Lơ giới thiệu mô hình cây đảng sâm của gia đình (Ảnh: TL) |
Lớn hơn một chút, với khả năng học tập tốt, Lơ được tuyển thẳng vào Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh (tại TP.Hội An). Hết cấp 3, anh lại trúng tuyển vào Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng.Tuy nhiên, do hoàn cảnh quá khó khăn ngày đó nên hết năm thứ 2 Lơ đành phải nghỉ học, trở về quê sinh sống.
Về với bản làng biên giới còn nhiều khó khăn, nhưng với ý chí và quyết tâm thoát nghèo, Lơ bắt đầu tìm hiểu và bắt tay vào trồng cây đảng sâm. Sau một thời gian tìm hiểu, anh còn vận động thêm đồng bào cùng trồng thử nghiệm. Từ đây, mô hình HTX từ cây sâm bản địa đã được người con của núi rừng Ch’Ơm nhen nhóm và nuôi ý định thành lập.
Lơ bảo: "Mình bắt đầu tích cóp vốn và tìm hiểu kinh nghiệm từ trên sách báo, mạng xã hội để hình thành dự án của bản thân. Mình muốn là người tiên phong để dân làng thấy, sau đó làm theo để mở hướng thoát nghèo trong tương lai”.
Khi dự án của Lơ mới bắt đầu, cũng là lúc đồng bào tín nhiệm bầu anh làm Trưởng thôn. Với lợi thế này, Lơ đã vận động bà con trong làng cùng mở hướng thoát nghèo từ cây đảng sâm. "Để bà con tin tuởng, làm theo, Lơ phải làm gương, bắt đầu từ gia đình mình." anh nói.
Từ số vốn vay ngân hàng, Lơ bắt đầu trồng và phát triển cây dược liệu quý đẳng sâm trên chính mảnh vườn và nương rẫy của mình với diện tích hơn 5ha. "Trời không phụ lòng nguời", chỉ một thời gian ngắn, vườn sâm đến mùa thu hoạch, cho hiệu quả kinh tế cao.Thấy Lơ làm được, bà con dân làng cũng tìm đến học tập theo mô hình trồng xen canh dưới tán rừng để phát triển kinh tế.
Liên kết phát triển cây dược liệu
Từ những thành công bước đầu của Lơ, cả làng Achoong đều trồng sâm, mở ra cơ hội phát triển.Theo đó, Lơ lại tiếp tục bắt tay xây dựng các tổ liên kết, hợp tác trồng sâm ở trong làng và các vùng lân cận để thành lập HTX Nông nghiệp Ch'Ơm.
Hoạt động này đã giúp giữ rừng, mở rộng đất trồng sâm, vừa có thêm thu nhập và tạo ra sản phẩm đặc trưng của miền núi. Từ đó, góp phần giải quyết được bài toán giảm nghèo ở bản làng vùng cao xã Ch'ơm.
Người dân được hướng dẫn trồng và thu hoạch đẳng sâm (Ảnh: TL) |
Với quyết tâm cao, Lơ đã vận động bà con mở rộng diện tích trồng sâm, hình thành mô hình HTX, trồng hơn 25ha vườn sâm có độ tuổi 1 – 3 năm.
Hiện giá bán 1kg sâm tươi khoảng 150 – 200 nghìn đồng, trong đó sâm 2 – 4 tuổi có giá 250 – 300 nghìn đồng. Nhờ vậy, bình quân mỗi năm, HTX thu về hơn 200 triệu đồng, giúp nâng cao thu nhập trực tiếp cho 9 thành viên liên kết.
Hiện, Lơ cũng khoanh vùng và bảo vệ hơn 3ha cây tiêu rừng đặc sản vùng cao, thu về mỗi năm gần 50 triệu đồng, góp phần tạo sinh kế bền vững cho gia đình và cộng đồng miền núi nơi anh đang sinh sống.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng sâm, cuối năm 2019 huyện Tây Giang đã triển khai dự án "Mô hình cây dược liệu phát triển theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm" tại địa bàn 2 xã GaRy và Ch'ơm.
Mô hình này được thực hiện từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với số tiền 68 triệu đồng.Tổng diện tích thực hiện khoảng 5,5 ha cây đẳng sâm.Trong đó, xã Ga Ry 3ha và xã Ch’Ơm 2,5ha. Thời gian thực hiện từ cuối năm 2019 đến năm 2022.
Để triển khai dự án, Phòng NN&PTNT huyện cùng với xã Ga Ry, Ch’Ơm và HTX Trường Sơn Xanh, HTX Nông nghiệp Ch’Ơm khảo sát thực địa vùng trồng sâm, hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo quản củ sâm.
Theo đó, mỗi HTX chọn 10 hộ tham gia trồng, chăm sóc. Toàn bộ sâm thu hoạch được HTX trực tiếp thu mua và cung cấp lại cho các công ty, HTX chế biến dược liệu tại trung tâm huyện. Sau khi triển khai thí điểm thành công 2 sào mẫu tại mỗi xã, hiện chương trình đã nhân ra diện rộng.
Có thể nói, HTX nông nghiệp Ch’Ơm của Alăng Lơ là mô hình kinh tế đầu tiên tiên ở địa phuơng, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con, nhất là các hộ tham gia. Mô hình này đã tác động tích cực đến bà con nhân dân trong việc thay đổi nhận thức, góp phần phát triển kinh tế vườn, từ sản vật địa phương, mở ra cơ hội giảm nghèo bền vững và kết nối phát triển thành các điểm du lịch sinh thái, tạo ra sản phẩm hàng hóa đặc trưng của địa phương.
Ngọc Giang