Tả Van cách trung tâm thị trấn Sa Pa 9km về phía Đông Nam. Địa hình đồi núi phức tạp, dân cư sinh sống rải rác thành 7 thôn với 3 dân tộc Mông, Dao và Giáy. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề nông và làm dịch vụ du lịch. Mỗi năm, Tả Van đón khoảng gần 110.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến ăn và nghỉ qua đêm tại bản. Tuy nhiên, ở đây vẫn còn tình trạng mù chữ và kém hiểu biết nên tỷ lệ đói nghèo còn cao.
Khôi phục nghề truyền thống
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, cuộc sống gặp nhiều khó khăn vất vả, chị Sùng Thị Lan luôn ấp ủ suy nghĩ phải thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu. Nhận thấy tình hình thực tế và tiềm năng phát triển du lịch tại địa phương, chị nảy sinh ý tưởng thành lập HTX sản xuất các sản phẩm truyền thống như thổ cẩm, hương thảo mộc, dược liệu… vừa giúp lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc vừa có thể phát triển thành chuỗi giá trị phục vụ du lịch cộng đồng.
HTX Mường Hoa tạo ra việc làm giúp chị em phụ nữ thoát nghèo (Ảnh: Tư liệu) |
Chị bước vào công cuộc tìm kiếm nguyên liệu khôi phục nghề nhuộm vải bằng màu thiên nhiên từ củ nâu, củ nghệ, lá tím, lá chè, chàm…, ấp ủ ước mơ vực dậy nghề truyền thống khâu – buộc – nhuộm của đồng bào dân tộc mình đã bị mai một từ 20 năm trước.
Trong 4 tháng đầu thử nghiệm, chị đã làm hỏng trên 500 mét vải lanh, vải bông (ước tính thiệt hại hơn 30 triệu đồng). Nhưng 4 tháng sau, chị đã tìm ra được công thức pha màu cũng như cách xử lý nguyên liệu để có màu tự nhiên đẹp nhất, tạo ra hoa văn, họa tiết lạ, hấp dẫn.
Khi Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp triển khai Đề án 939 hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025, chị đã xung phong nộp ý tưởng sản xuất của mình. Ý tưởng của chị đã được tỉnh Lào Cai lựa chọn là ý tưởng xuất sắc nhất toàn tỉnh và gửi hồ sơ về Trung ương để tham gia vòng sơ khảo.
Kết quả này đã tạo động lực để chị liên kết với các phụ nữ trong bản thành lập HTX Mường Hoa với mục đích tương trợ, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau vượt khó làm kinh tế. Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các đồ thủ công truyền thống: Thổ cẩm, hương thảo mộc, trà thảo dược, HTX Mường Hoa là một HTX trẻ được ươm tạo từ dự án SERD (Dự án “Hỗ trợ Doanh nghiệp xã hội vì sự phát triển nông thôn sáng tạo và bền vững”) thông qua các hoạt động: Hội thảo sáng kiến xã hội, tập huấn phát triển kỹ năng kinh doanh và nhận các gói hỗ trợ chuyên sâu trong quản trị sản xuất, quản lý sổ sách tài chính. HTX cũng là một trong những doanh nghiệp xã hội cộng đồng nhận được gói hỗ trợ vốn hạt giống 30 triệu đồng từ dự án.
Giúp phụ nữ thoát nghèo
Hiện nay, HTX có 9 hộ thành viên trong đó có 5 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo, 2 hộ gia đình chính sách. Ngoài ra, HTX còn tạo thêm việc làm cho 6 lao động địa phương, tăng thêm thu nhập cho các chị em phụ nữ trên địa bàn xã, nhất là giúp đỡ những chị em phụ nữ nghèo phát triển kinh tế theo hướng chuyển đổi và thích nghi với nền kinh tế du lịch.
Chị Sùng Thị Lan (bên trái) giới thiệu sản phẩm tới khách hàng (Ảnh: TL) |
Chị Lan cho biết: Nhờ sự quyết tâm và nỗ lực của các thành viên, HTX đã tạo ra được sản phẩm riêng mang đậm tính dân tộc và thu hút nhiều du khách đến tham quan, mua sắm… Các sản phẩm của HTX được làm dựa theo nguyên tắc tận dụng tối đa nguyên, vật liệu sẵn có trong tự nhiên, tuyệt đối không sử dụng bất kỳ loại hóa chất công nghiệp nào trong quá trình sản xuất.
Nguyên liệu sau sản xuất của công đoạn này có thể trở thành nguyên liệu cho quá trình tạo ra sản phẩm khác. Ví như củ nâu, củ mài là nguyên liệu phục vụ cho công đoạn nhuộm vải và bã của chúng có thể tận dụng nghiền làm một phần nguyên liệu cho hương thảo mộc…
Sản phẩm của HTX không chỉ bán ở địa phương mà còn ký được hợp đồng tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh. Chị Lan tiết lộ mỗi tháng, lợi nhuận từ việc làm vải, hương mang về cho chị khoảng 12 triệu đồng, gấp nhiều lần việc trồng lúa, ngô. Ngoài việc nâng cao đời sống cho gia đình, chị cảm thấy tự hào khi đang gìn giữ được nhiều nghề truyền thống có nguy cơ mai một của quê hương, giúp nhiều chị em khác thoát nghèo.
Ngoài sản xuất các mặt hàng để bán, HTX Mường Hoa còn nhận các tour cho du khách trải nghiệm thực tế, tham gia vào các công đoạn sản xuất các sản phẩm. Đây là cách khẳng định vị thế trên thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và giúp những phụ nữ dân tộc thiểu số người H’Mông, người Giáy ở Tả Van có thể sống với chính nghề truyền thống trên mảnh đất của mình.
Hoàng Lê