Lâm Bình là huyện thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh Tuyên Quang. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 95%, tỷ lệ hộ nghèo cao: năm 2016 là 51,42%, đến nay giảm xuống còn trên 40%. Cơ sở hạ tầng thiếu thốn, chưa đồng bộ, nhất là hệ thống đường giao thông.
Tuy nhiên, địa phương lại có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai rộng, có tiềm năng trong phát triển cây dược liệu quý hiếm, trong đó có cây cà gai leo. Tận dụng lợi thế này, các hộ dân, HTX đã phát triển mô hình trồng cây cà gai leo, đến nay đã khẳng định được hiệu quả kinh tế mang lại và mở hướng thoát nghèo cho nhiều hộ nông dân tại địa phương.
Thí điểm thành công
Là đơn vị đi đầu trong việc thí điểm mô hình, HTX Dược liệu Thanh Lan Duy đầu tư vào cây cà gai leo tại xã Thương Lâm. Khi đã quy hoạch được vùng trồng, HTX triển khai cung cấp cây giống, chuyển khai khoa học kỹ thuật, hướng dẫn bà con chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và bảo quản đúng theo tiêu chuẩn nhằm giữ trọn vẹn thành phần hoạt chất ở mức độ cao nhất.
Mô hình trồng cà gai leo tại Lâm Bình giúp nhiều hộ dân thoát nghèo (Ảnh TL) |
Khâu chuẩn bị đất trồng, cà gai leo được đánh luống cao, bón phân vi sinh, được lắp đặt hệ thống ống tưới tiết kiệm. Quá trình chăm sóc cà gai leo được giám sát từng công đoạn, như việc làm cỏ, trừ sâu bọ đảm bảo không dùng thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật, việc tưới tiêu đủ độ ẩm cần thiết, không ẩm quá hoặc không khô quá.
Theo các thành viên HTX, để cà gai leo đạt hàm lượng dược chất ở mức cao nhất, khâu thu hoạch phải đúng thời gian, sơ chế, bảo quản đúng kỹ thuật để cà gai leo không bị ẩm mốc, mất hàm lượng hoạt chất. Trong suốt quá trình thực hiện, HTX luôn phối hợp chặt chẽ với người dân nơi đây để đảm bảo quy hoạch theo đúng tiêu chuẩn sạch cho năng suất và chất lượng cà gai leo luôn ở mức tốt nhất có thể.
Hiện nay, HTX đã xây dựng vườn cà gai leo với sản lượng trên 200 tấn nguyên liệu tươi/năm. Với nhu cầu ngày càng tăng, năm 2020, HTX quyết định mở rộng đầu tư trên 1 tỷ đồng xây dựng vùng nguyên liệu dược liệu sạch chuẩn tại đây với diện tích trên 12 ha giúp người dân làm giàu bằng dược liệu chính trên mảnh đất quê hương mình.
Từ khi HTX thí điểm thành công mô hình trồng cà gai leo, người dân nơi đây vô cùng phấn khởi bởi họ không chỉ được tiếp cận với phương thức sản xuất mới tiên tiến mà còn được đảm bảo đầu ra, không còn nỗi lo được mùa mất giá. Bình quân mỗi ha, cà gai leo cho thu hoạch 1-1,5 tấn/vụ. Mỗi kg cà gai leo có giá dao động từ 18.000 – 20.000 đồng/kg, giúp người dân thu về trên 20 triệu đồng mỗi vụ.
Hiệu quả kinh tế
Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho một năm canh tác 3 vụ, mỗi hộ chỉ cần có 2 ha trồng cà gai leo là có thể có thu nhập từ 13 -15 triệu đồng/tháng. Đây là một số tiền không hề nhỏ với những người dân ở vùng quê vùng cao vốn quanh năm lam lũ mà vẫn không sao thoát khỏi cái nghèo.
Cây cà gai leo đã mở ra hướng giải quyết việc, nâng cao thu nhập cho người dân Lâm Bình. |
Anh Ngô Thế Luận, xã Thương Lâm có 3 ha trồng cà gai leo. Nhờ nắm chắc kỹ thuật canh tác nên diện tích cà gai leo của gia đình anh đạt chất lượng tới 85–90%, giá bán vì thế cũng đạt gần 30.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, 3 ha cà gai leo đem lại thu nhập cho gia đình anh Luận hàng trăm triệu đồng. Vườn cà gai leo không chỉ góp phần tăng thu nhập ổn định đời sống cho gia đình anh mà còn tạo việc làm thường xuyên cho người dân các xã Lăng Can,Thượng Lâm, Khuôn Hà, Bình An.
Trồng cà gai leo không khó, lại thích hợp ở những nơi đất cằn cỗi, không tốn nhiều công chăm sóc, thời gian thu hoạch ngắn. Mô hình đã chứng minh được hiệu quả kinh tế trên mảnh đất vùng cao Lâm Bình khi giúp cho tỷ lệ hộ nghèo nơi đây giảm trung bình trên 5% mỗi năm.
Vì thế, việc nhân rộng quy mô cây trồng và quá trình sản xuất cây cà gai leo là hướng đi đúng đắn của các hộ dân, HTX nhằm nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm và tạo động lực để người nghèo vươn lên trong cuộc sống.
Hoàng Lê