Giảm nghèo bền vững đối với các xã 135 luôn rất khó khăn. Xã Lạc Lương cũng không phải là ngoại lệ, bởi địa bàn chủ yếu là núi đá, sản xuất nông nghiệp manh mún, phụ thuộc vào thiên nhiên. Địa phương chưa xác định được các mô hình kinh tế mũi nhọn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trên địa bàn không có công ty, xí nghiệp giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Chính vì vậy, theo thống kê năm 2018, thu nhập bình quân toàn xã đạt 20,5 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm đến 60,03%.
Kết quả ngoài mong đợi
Sau quá trình khảo sát cho thấy nuôi ong lấy mật là mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, lại phù hợp với người dân, Dự án chăn nuôi ong lấy mật chính thức được triển khai tại xã Lạc Lương. Với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” từ nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất và duy tu bảo dưỡng thuộc nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2018, UBND xã đã hỗ trợ một phần cho các hộ dân nghèo tham gia vào dự án.
Trung bình mỗi năm, các thành viên HTX Yên Tân thu về lợi nhuận 60 - 80 triệu đồng từ nuôi ong lấy mật (Ảnh: Tư liệu) |
Để được nhận hỗ trợ một phần nguồn vốn, người dân phải ký cam kết tham gia học đầy đủ các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức nuôi ong cũng như cách thức lấy mật và gây đàn. Sau một năm triển khai, dự án nuôi ong lấy mật tại Lạc Lương đã đem lại những kết quả ngoài mong đợi.
Hộ ông Bùi Văn Bẻm (xóm Yên Tân) là một trong những hộ tham gia mô hình ở thời kỳ đầu. Ông Bẻm cho biết: "Chúng tôi đã theo học lớp tập huấn kỹ thuật, giúp việc chăm sóc, thu mật dễ dàng. Mỗi năm đàn ong lại được nhân lên, thay vì kiểu nuôi truyền thống, lượng mật thu chỉ đủ tiêu thụ trong gia đình, hiệu quả kinh tế hiện nay đã nâng rõ rệt. Bình quân mỗi năm, gia đình có thu nhập 80 triệu đồng".
Một trường hợp khác là gia đình ông Bùi Văn Lư (xóm Yên Tân) trước đây đã nuôi ong nhưng vì nuôi nhỏ lẻ, lại không có kỹ thuật nên việc nuôi ong cũng chỉ đủ bán đổi ít gạo. Từ khi tham gia vào Dự án, ký cam kết tham gia học đầy đủ các lớp tập huấn, gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo, trở thành “ông trùm” về ong với hơn 100 đàn ong. Trung bình mỗi năm, đàn ong của gia đình ông cho thu hoạch từ 1.000 - 1.200 lít mật. Nguồn thu từ nuôi ong không chỉ giúp gia đình ông xây được ngôi nhà khang trang đầy đủ tiện nghi mà còn tậu chiếc xe hơi trị giá hơn 600 triệu đồng.
Mô hình HTX nuôi ong đầu tiên
Đó chỉ là 2 trong số hàng chục hộ dân thoát nghèo nhờ nuôi ong tại Lạc Lương. Hiện nay, những hộ nuôi ong này đã phát triển lên thành HTX Yên Tân chuyên cung cấp ong giống và mật ong nguyên chất.
Nhờ nuôi ong, hàng chục hộ dân tại Lạc Lương thoát nghèo (Ảnh: TL) |
Ông Quách Tất Vở - Giám đốc HTX cho biết: "Lâu nay, bà con vẫn nhận hỗ trợ và chăn nuôi sản xuất theo cảm tính. Cán bộ khuyến nông có mở lớp dạy bà con cũng không tham gia vì ngại học nhưng khi đã là bắt buộc thì mọi người đều phải đi. Tuy nhiên, khi tham gia 1, 2 buổi thấy được giá trị của kiến thức trong chăn nuôi, sản xuất, bà con rất thích và về áp dụng. Nhờ đó, từ 2 thùng giống ong dự án cấp chỉ sau thời gian ngắn, các hộ dân đã nhân giống được hàng chục thùng giống. Có kỹ thuật nên việc ép mật cũng có năng suất cao hơn. Có thu nhập cao, bà con rất phấn khởi và ham học hơn”.
Nghề nuôi ong lấy mật ở Yên Tân là minh chứng cho những nỗ lực giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã Lạc Lương. Trung bình mỗi năm, các thành viên HTX thu về lợi nhuận từ 60 - 80 triệu đồng. So với các mô hình kinh tế khác trên địa bàn, nghề nuôi ông lấy mật dễ làm, ít rủi ro và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong thời gian tới, HTX tiếp tục phát triển hiệu quả mô hình nuôi ong lấy mật, từng bước khẳng định chất lượng và xây dựng thương hiệu mật ong Yên Tân trên thị trường cả nước.
Với hướng phát triển nghề nuôi ong, xây dựng mô hình HTX nuôi ong đầu tiên, mật ong Yên Tân đã và đang tạo dựng thương hiệu, đồng thời cải thiện sinh kế, tạo nguồn thu nhập cho nhân dân. Với sự hỗ trợ của Dự án giảm nghèo, đường giao thông liên xóm cũng mở mang hơn, thuận lợi để sản phẩm mật đi đến các thị trường. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm bình quân hơn 5%/năm.
Khánh Toàn