Một trong những việc làm tích cực nhất là công tác dồn điền đổi thửa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, máy móc hiện đại vào sản xuất để nâng cao hiệu quả trên đồng ruộng. Đặc biệt là các HTX đứng ra liên kết với các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm đầu vào để hạ giá thành và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, giúp thành viên yên tâm sản xuất.
Những "cánh chim đầu đàn"
Từ năm 2016, sau khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Thị, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh xác định nhiệm vụ quan trọng là tìm các biện pháp để nâng cao thu nhập cho các thành viên.
HTX tập trung hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, cải tạo đồng ruộng, sửa chữa nâng cấp hệ thống kênh mương, sử dụng các loại giống mới và áp dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh, xây dựng các vùng chuyên canh, sản xuất cánh đồng lớn.
Phong trào dồn điền đổi thửa, áp dụng máy móc vào sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất, ổn định thu nhập đang được lan toả tại nhiều địa phương (Ảnh:TL) |
Ông Nguyễn Giang, Giám đốc HTX Phước Thị cho biết, ban đầu khi triển khai những việc này gặp không ít khó khăn. Qua thực tế triển khai các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên các hộ gia đình đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia.
Cho đến nay, ngoài tổ chức sản xuất lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao, HTX đã nhân rộng mô hình canh tác thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, không chỉ cho năng suất, sản lượng cao mà sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, bán được giá, đặc biệt là hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường trên đồng ruộng.
“Ngoài thâm canh cây lúa, HTX còn tuyên truyền, vận động các thành viên cải tạo vườn tạp, khai thác vùng cát, trồng các loại rau màu thực phẩm và phát triển chăn nuôi có quy mô. Nhờ vậy, doanh thu, lợi nhuận của đơn vị ngày càng tăng, thu nhập của thành viên ngày càng cao và năm 2019 được UBND tỉnh công nhận đạt danh hiệu HTX kiểu mới”, ông Giang cho biết.
Cũng nhờ dồn điền đổi thửa, áp dụng quy trình canh tác hiện đại, đưa vào sản xuất nhiều bộ giống mới nên vụ thu hoạch vừa qua, năng suất lúa bình quân của thành viên HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Đông Giang 2, TP Đông Hà đạt 53 tạ/ha. Bên cạnh đó, các hộ gia đình cũng tận dụng đất vườn, đưa vào trồng các loại rau màu có giá trị cung cấp cho thị trường đem lại thu nhập từ 100 - 110 triệu đồng/ha.
Đồng thời, HTX đã vận động thành viên chuyển những diện tích trồng trọt kém hiệu quả và diện tích mặt nước, đào hồ, mở rộng diện tích nuôi tôm theo hướng cộng đồng, liên kết, hỗ trợ lẫn nhau về vốn, giống, kinh nghiệm, xây dựng hạ tầng. Đặc biệt, mọi người đều có trách nhiệm trong khâu bảo vệ môi trường nên đã hạn chế dịch bệnh và tôm cho sản lượng năm sau cao hơn năm trước.
Ông Hoàng Đình Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Đông Giang 2 cho biết, ngoài việc đảm nhận các khâu dịch vụ, HTX đã liên doanh, liên kết với doanh nghiệp cung ứng đầy đủ các loại vật tư, mở các lớp tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn, đặc biệt là tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm nên các thành viên rất gắn bó, tin tưởng, yên tâm, phấn khởi làm ăn.
Đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất
Thực tế cho thấy, thực hiện đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, kinh tế hợp tác ở Quảng Trị đã có bước phát triển về chất lượng và tạo ra hướng đi mới hiệu quả, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn.
Tỉnh Quảng Trị hiện có 289 HTX nông nghiệp với gần 73.000 thành viên, doanh thu bình quân 1 HTX đạt 992 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân 114 triệu đồng. Qua khảo sát, đánh giá cho thấy có 16% HTX đạt loại tốt, 33,8% loại khá, 45,6% loại trung bình và 4,6% loại yếu. Đặc biệt, năm 2019 có 20 đơn vị được UBND tỉnh công nhận là HTX kiểu mới.
Các mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP của các HTX phát triển rộng rãi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (Ảnh:TL) |
Đây là những đơn vị đã giúp cho các hộ gia đình liên kết với nhau, thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chuyển từ hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phát triển lên thành sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, đảm nhận các khâu dịch vụ, nhất là cung cấp dịch vụ đầu vào cho thành viên với giá thấp nhất và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm với giá bán cao nhất. Các HTX, tổ hợp tác liên kết với doanh nghiệp, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, xây dựng các mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP, chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, an toàn sinh học, tạo ra nông sản sạch.
Ông Cáp Kim Thánh, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Trị cho biết, trong những năm qua, nhiều mô hình HTX hoạt động trên địa bàn đã có những thay đổi mạnh mẽ, đột phá. Nhiều HTX nông nghiệp kiểu mới đã khẳng định được vai trò, hỗ trợ người nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đóng góp hiệu quả cho công cuộc xây dựng nông thôn mới cũng như cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
“Để các HTX phát huy tốt vai trò hỗ trợ thành viên, đóng góp tích cực vào phong trào xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, tham gia tích cực vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bản thân mỗi HTX cần nhận thức rõ vai trò của mình để từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, chủ động hơn trong liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản, ổn định đầu ra. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần có cơ chế, chính sách và các giải pháp củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp thích ứng với cơ chế thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, ông Cáp Kim Thánh nhấn mạnh.
Hà Nam