Thu lợi ích kép
Trước đây, ở thôn Lương Điền có hộ các ông: Nguyễn Văn An, Nguyễn Tỵ, Nguyễn Hữu Quyền, Nguyễn Quảng đã mạnh dạn thuê lại diện tích khoảng 7,5ha ở các bàu, hồ đập, các vùng đất trũng, hoang hóa, chua phèn không thể sản xuất lúa hoặc sản xuất kém hiệu quả của người dân sang trồng sen kết hợp nuôi cá tự nhiên.
Các mô hình trồng sen ở vùng thấp trũng này đã mang lại lợi ích kép khi vừa cho hiệu quả kinh tế cao vừa giải quyết được vấn đề ruộng đồng bị bỏ hoang do thường xuyên bị ngập nước.
Ngoài mang lại hiệu quả kinh tế cao, trồng sen ở vùng trũng thấp còn giúp khai thác hiệu quả những diện tích ruộng, hồ, ao, đầm thường xuyên bị ngập nước, tạo vẻ đẹp cho cảnh quan vùng nông thôn |
Ông Nguyễn Hữu Quyền cho biết, trồng sen thu hoạch 1 vụ/năm, bắt đầu từ tháng 2 đến khoảng tháng 5. Hiện nay, hạt sen tươi được thương lái thu mua với giá dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/kg. Bình quân mỗi ha sen cho sản lượng khoảng 2,5 tấn/vụ, doanh thu từ 100 - 120 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, người trồng sen có lãi khoảng 90 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều so với các cây trồng khác, chưa kể nguồn thu từ cá và bán sen giống.
Trước hiệu quả mang lại từ việc chuyển đổi mô hình trồng sen trên vùng trũng, thấp kết hợp nuôi cá tự nhiên, ông Lê Văn Phước, Giám đốc HTX Lương Điền cũng có ý tưởng chuyển đổi một số diện tích đất sản xuất lúa ở trũng thấp của HTX sang trồng sen kết hợp nuôi cá.
Ông Phước cho biết, toàn HTX hiện có 175ha trồng lúa. Những năm qua, do diện tích sản xuất lúa của HTX có nhiều vùng trũng thấp nên sản xuất không đạt năng suất và hiệu quả mong muốn. Qua thực tế sản xuất của một số hộ dân địa phương và việc đi học tập, tham quan một số mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng sen ở một số địa phương như Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đồng Tháp... cho thấy hiệu quả, năng suất rõ rệt. Vì thế, ông Phước đã vận động các thành viên HTX thành lập một nhóm gồm 25 hộ với diện tích 15ha và đề nghị chính quyền xã Hải Sơn cho phép chuyển đổi sang mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá vào năm 2018.
Mở rộng diện tích, tăng thu nhập
Ông Lê Văn Phước cho biết, sau hơn 1 năm thành lập, nhóm các thành viên của HTX Lương Điền tham gia mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá đi vào hoạt động và cho hiệu quả kinh tế rõ rệt. Cụ thể, theo tính toán tại những vùng trũng thấp, năng suất trồng lúa đạt 4 tấn/ha/năm (2 vụ), nếu bán được giá thu khoảng 20 triệu đồng. Trong khi đó, nếu chuyển đổi sang trồng sen thì vụ thu hoạch năm 2019 vừa qua của HTX, trung bình mỗi ha trồng sen cho thu khoảng 2,5 tấn/vụ, với giá bán trung bình từ 40.000 - 60.000 đồng/kg. Toàn HTX có 15ha với 25 hộ tham gia, cho thu khoảng 1,5 tỷ đồng, lãi gấp 4 lần so với cấy lúa.
HTX và các thành viên đã tạo việc làm cho gần 20 lao động thời vụ với thu nhập trung bình 260.000 đồng/người/ngày để thu hoạch sen và bóc tách vỏ hạt sen |
Năm 2020, HTX và các thành viên đã tạo việc làm cho gần 20 lao động thời vụ với thu nhập trung bình 260.000 đồng/người/ngày để thu hoạch sen và bóc tách vỏ hạt sen. Hiện, HTX đang chuẩn bị kết thúc vụ thu hoạch năm 2020 và dự kiến cho tổng nguồn thu từ sen khoảng 1,6 tỷ đồng, cao hơn 100 triệu đồng so với năm 2019.
“Để nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng thu nhập cho thành viên, người lao động của HTX, từ nay đến cuối năm, HTX đang tiếp tục làm hồ sơ đề nghị chính quyền xã và huyện tạo điều kiện cho chuyển đổi thêm 5ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen để tạo việc làm, nâng cao hơn nữa thu nhập cho người lao động”, ông Phước nói.
Thời gian tới, để nhân rộng mô hình, chính quyền xã Hải Sơn và HTX Lương Điền sẽ tăng cường tạo điều kiện thuận lợi về vốn, tập huấn kỹ thuật cho các thành viên tổ sản xuất, tiếp tục vận động bà con trong xã chuyển đổi một số diện tích đất ruộng sâu sang trồng sen và tham gia HTX góp phần ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Hải Lăng, các mô hình trồng sen ở địa phương từng bước được nhân rộng là do loại cây này rất phù hợp với vùng thấp trũng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, ít vốn đầu tư, năng suất ổn định và sản phẩm dễ tiêu thụ. Việc trồng sen ở vùng thấp trũng ngoài mang lại hiệu quả kinh tế cao, còn giúp khai thác hiệu quả những diện tích ruộng, hồ, ao, đầm thường xuyên bị ngập nước; tạo vẻ đẹp cho cảnh quan vùng nông thôn.
Hoạt động hiệu của của các tổ hợp tác và HTX, trong đó có HTX Lương Điền góp phần đưa bình quân thu nhập đầu người trong xã Hải Sơn đạt 41,70 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,45%. Đến nay, xã Hải Sơn đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Phạm Duy