Mô hình sen - cá được hình thành xuất phát từ nhu cầu muốn nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn xã Triệu Trung (Triệu Phong). Đó là những chân ruộng trũng, ruộng thấp trồng lúa cho năng suất thấp, người dân đã cải tạo làm ao nuôi cá kết hợp trồng sen.
Chuyển biến ở Triệu Phong
Tuy nhiên, do làm theo kiểu tự phát, thiếu kĩ thuật nên hiệu quả kinh tế không cao. Xuất phát từ nhu cầu đào tạo nghề của lao động nông thôn tại xã Triệu Trung, từ giữa năm 2019, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện Triệu Phong đã mở lớp dạy nghề về phát triển mô hình sen-cá, thu hút 22 học viên tham gia.
Mô hình sen-cá ở xã Triệu Trung |
Với hình thức đào tạo “cầm tay chỉ việc”, sau khi hoàn thành khóa học, các học viên đã áp dụng ngay trên mô hình của chính gia đình mình, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Trung Phan Văn Phụng cho biết: “Trước khi học nghề, toàn xã Triệu Trung có trên 1 ha mô hình sen- cá. Nhờ học nghề, lao động nông thôn trên địa bàn xã đã có cơ hội tiếp cận và phát triển mô hình sen- cá để cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hiện tại, tổng diện tích mô hình sen- cá toàn xã đã tăng lên 5,2 ha”.
Bên cạnh xã Triệu Trung, việc chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông cũng được chính quyền huyện Triệu Phong chú trọng ở xã khác để áp dụng vào các mô hình kinh tế nông nghiệp khác, nhất là ở khu vực HTX, Tổ hợp tác.
Theo thống kê đến nay, toàn huyện Triệu Phong có HTX, doanh thu bình quân ước đạt 620 triệu đồng/HTX, lợi nhuận bình quân đạt 115 triệu đồng. Các HTX nông nghiệp trong huyện rất coi trọng nguồn lao động có nghề nhằm thực hiện tốt các khâu dịch vụ, nhiều HTX còn mở thêm các dịch vụ mới mang lại hiệu quả cao, nhiều mô hình liên doanh, liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho thành viên.
Bên cạnh đó, các HTX đã có nhiều hoạt động tích cực hỗ trợ cho bà con xã viên về: cây, con giống mới, đào tạo nghề, hướng dẫn áp khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế, tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng trong nông nghiệp.
Không những ở huyện Triệu Phong, hiệu quả trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn là điều mà tỉnh Quảng Trị đang hướng tới. Nhằm thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2020” toàn tỉnh sẽ tuyển sinh và đào tạo nghề cho 11 nghìn lao động nông thôn. Tỉnh phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 65%; tỷ lệ lạo động qua đào tạo nghề đạt từ 50 - 55%; tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ đạt trên 32%.
Phấn đấu trên 80% người học việc có việc làm mới
Tỉnh Quảng Trị cũng đã đặt ra mục tiệu là phấn đấu sau đào tạo có trên 80% người học việc có việc làm mới, hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có hiệu quả, năng suất và thu nhập cao hơn.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Quảng Trị đề ra một trong những nhiệm vụ là thực hiện tốt chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với tạo việc làm sau đào tạo. Trong công tác đào tạo ngành nghề phải phù hợp, thực chất, nguồn lao động có chất lượng, tay nghề cao, đảm bảo đáp ứng tốt cho nhu cầu phát triển KT-XH của địa phương.
Hằng năm, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện khảo sát, nắm bắt số lượng người lao động trong độ tuổi chưa qua đào tạo nghề, nhu cầu ngành nghề cần đào tạo... để xây dựng kế hoạch đào tạo sát đúng với từng địa phương, đơn vị…
Tỉnh Quảng Trị cũng đã đặt ra mục tiệu là phấn đấu sau đào tạo có trên 80% người học việc có việc làm mới |
Chỉ tính riêng trong năm 2019, toàn tỉnh đã mở trên 190 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp và thường xuyên (dưới 3 tháng) cho khoảng 5.233 lao động nông thôn với kinh phí thực hiện gần 8.500 triệu đồng.
Sau đào tạo nghề, có trên 4.500 lao động nông thôn được các doanh nghiệp tuyển dụng hoặc bao tiêu sản phẩm làm ra; số lao động còn lại tự thành lập HTX, tổ HT, doanh nghiệp hoặc tự tạo việc làm để ổn định cuộc sống.
Đơn cử như mô hình trồng ném của học viên Nguyễn Thị Dơi ở xã Hải Dương (huyện Hải Lăng) mang lại thu nhập bình quân 3 - 5 triệu đồng/tháng; mô hình nuôi cá lồng bè (nuôi cá chình) trên sông của học viên Lê Văn Hải ở xã Hải Tân (huyện Hải Lăng) mang lại thu nhập bình quân khoảng 25 triệu đồng/vụ nuôi.
Hoặc như mô hình sản xuất nước mắm của các bà Nguyễn Thị Chiếm, Trần Thị Lý ở thôn Thái Lai (xã Vĩnh Thái, Vĩnh Linh) mang lại thu nhập bình quân 4 - 6 triệu đồng/tháng… Đối với đào tạo nghề phi nông nghiệp, nhiều học viên được nhận vào làm việc ở các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp với mức thu nhập ổn định…
Thanh Loan