Chú trọng dạy nghề cho lao động
Ra đời từ năm 2013, HTX Mây tre đan Vân Sơn hoạt động với số vốn điều lệ ban đầu là 2,2 tỷ đồng. HTX chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến nguyên liệu, mua bán các sản phẩm mây tre và lâm sản. Cũng như nhiều đơn vị khác, HTX Mây tre đan Vân Sơn khởi nghiệp với nhiều khó khăn và thử thách, nhất là những đòi hỏi khắt khe về chuyên môn kỹ thuật, hệ thống hóa máy móc sản xuất, thị trường nguyên liệu và đầu ra ổn định cho sản phẩm...
HTX mây tre đan Vân Sơn đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động |
Ông Lê Viết Sơn, Giám đốc HTX mây tre Vân Sơn chia sẻ: "Để phát triển HTX về lâu dài, ngoài vấn đề tìm kiếm thị trường tiêu thụ, HTX phải tìm được đối tác và tạo được chuỗi liên kết bền vững; áp dụng triệt để khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện tốt an toàn vệ sinh lao động găn với bảo vệ môi trường"...Riêng hệ thống lò sấy nguyên liệu song mây được trang bị có công suất hoạt động đạt 3 tấn/12 giờ. Nhờ vậy, ngay cả trong mùa mưa, đội ngũ công nhân lao động vẫn làm việc bình thường mà không lo thiếu nguyên liệu khô như những năm trước đây.
Từ những bước đi chật vật ban đầu, HTX đã chú trọng tổ chức lực lượng lao động, công tác quản lý, hoạch toán kinh doanh và thị trường tiêu thụ. Để việc sản xuất kinh doanh thuận lợi, HTX đã đầu tư xây dựng 4 nhà xưởng với diện tích 2.000m2 làm nơi sản xuất, xưởng chế biến nguyên liệu và hội trường phục vụ công tác đào tạo, tập huấn, dạy nghề cho lao động; đồng thời, trang bị thêm 9 máy chế biến nguyên liệu các loại.
Những năm đầu, ông Sơn đã liên kết với cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội, bán nguyên liệu thô, tiếp đó hợp đồng với các thợ giỏi về đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động trong HTX. Ngoài ra, để sản phẩm bảo đảm về số lượng, chất lượng và đa dạng mẫu mã, đáp ứng nhu cầu thị trường, HTX đã quan tâm đến phát triển làng nghề. Bởi chỉ thông qua làng nghề mới huy động được lực lượng lao động lớn trong cộng đồng tham gia sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cho cơ sở.
Hàng năm, ông Lê Viết Sơn đã mời nghệ nhân và thợ giỏi từ các làng nghề truyền thống có tiếng trong nước về tập huấn kỹ thuật sản xuất, chế biến nguyên liệu và nâng cao tay nghề đan xiên cho lao động HTX; đồng thời, chú trọng dạy nghề cho người dân các xã khác trên địa bàn huyện Tuyên Hóa.
Mặt khác, ông Sơn phối hợp với Viện Công nghiệp rừng (thuộc bộ Nông nghiệp-PTNT), Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện tập huấn nâng cao kỹ thuật đan lát thủ công và sấy nguyên liệu song mây cho người lao động.
Mở rộng thị trường, nâng cao đời sống cho người lao động
Được biết, ngoài thu mua, chế biến và tiêu thụ các loại nguyên liệu, như: tấm lợp bằng thân cây vọt, ruột mây nước... Những năm gần đây, HTX Mây tre đan Vân Sơn đã sản xuất, thu mua, tiêu thụ 10.850 sản phẩm mây tre đan tại thị trường trong và ngoài tỉnh; cho ra lò mỗi năm từ 3.500-5.000 sản phẩm; giá mỗi sản phẩm từ 150.000-180.000 đồng với tổng doanh thu 1,86 tỷ đồng; trong đó chủ yếu là sản phẩm dùng làm quà lưu niệm.
Sản phẩm mây tre đan xuất khẩu của HTX Vân Sơn |
Đặc biệt, nhiều thợ giỏi của HTX được cử đi đào tạo và được vinh danh là nghệ nhân, thợ giỏi. Đây được xem là một động lực lớn giúp ông có được nhiều người thợ có tay nghề đến học tập và làm việc. Hiện HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 35 lao động với mức thu nhập 2,5-3 triệu đồng/người/tháng và hàng trăm lao động đan xiên ở các làng nghề được ông Sơn liên kết đào tạo bài bản, đáp ứng với yêu cầu khi có đơn hàng.Gần đây, thị trường của HTX Mây tre đan Vân Sơn được mở rộng ra các nước như: Lào và Thái Lan, với gần 25 mẫu, trên 2.000 loại sản phẩm, nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của khách hàng.
"Thời gian tới, HTX Mây tre đan Vân Sơn sẽ tiếp tục sản xuất các sản phẩm từ mây. Đây là mặt hàng đang được các đại lý từ Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp…thu mua liên tục với số lượng lớn. HTX quyết tâm đưa sản phẩm đến với nhiều thị trường, mở rộng, phát triển hơn nữa để tạo việc làm, tăng thu nhập cho lực lượng lao động thủ công trên địa bàn toàn tỉnh", ông Sơn cho biết thêm.
Việc xây dựng được một cơ sở đầu mối sản xuất, chế biến gắn với thị trường và phối hợp đào tạo hàng trăm lao động có tay nghề chuẩn ở 6 xã của 2 huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa của HTX Mây tre đan Vân Sơn có ý nghĩa rất lớn trong việc chung tay phát triển làng nghề nông thôn.
Từ những kết quả đã đạt được, ông Sơn và HTX Mây tre đan Vân Sơn được tặng bằng khen, giấy khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Sở Công Thương...; được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Kỷ niệm chương Vì giai cấp Nông dân Việt Nam…
Hiền Phương