Thông qua đó, đã giúp thành viên HTX có hoàn cảnh khó khăn cải thiện, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng tình làng, nghĩa xóm gắn kết, đảm bảo an ninh trật tự và sự ổn định ở nông thôn.
HTX làm giàu từ cách làm mới
Gần đây, nhiều HTX tại Hà Nội đã mạnh dạn thay đổi tư duy hoạt động, sản xuất, một số mô hình HTX nổi bật, điển hình với cách làm mới như HTX chăn nuôi Yên Hòa Phú, xã Đông Yên, huyện Quốc Oai được thành lập từ cuối năm 2016.
Nhiều HTX tại Hà Nội đã mạnh dạn thay đổi tư duy hoạt động, sản xuất nâng cao thu nhập cho thành viên. |
Hiện, HTX có 36 thành viên, trung bình mỗi năm xuất ra thị trường 90 tấn gà thương phẩm và khoảng 2 triệu quả trứng. Hoạt động sản xuất của HTX chia thành 2 chuỗi bao gồm chuỗi gà thương phẩm và chuỗi gà đẻ trứng. Ngoài bán gà thịt thương phẩm, trứng gà, HTX Yên Hòa Phú còn xuất ra thị trường sản phẩm gà thịt hút chân không.
Giám đốc Lê Đình Bình cho biết, là đơn vị mới thành lập, việc mở rộng sản xuất chăn nuôi của HTX Yên Hòa Phú còn gặp khó khăn, công tác tìm kiếm thị trường còn hạn chế. Do vậy, HTX mong có sự hợp tác, hỗ trợ của các HTX và của Liên minh HTX để đưa HTX ngày càng phát triển hơn, qua đó mở rộng thị trường bao tiêu thực phẩm, tạo việc làm, thu nhập ổn định để các thành viên yên tâm sản xuất
Ông Tạ Đình Quý, Chủ tịch UBND xã Đông Yên đánh giá, HTX ra đời từ chủ trương xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là việc thực hiện tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất. Đến nay, doanh thu của HTX đã đạt trên 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục thành viên, người lao động.
Để tiếp tục phát triển, HTX luôn chú trọng việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thế mạnh; hoàn thiện, nâng cấp hệ thống sản xuất nhằm bảo đảm sản lượng, chất lượng và các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường.
“Xã Đông Yên cũng đã đăng ký xây dựng 3 sản phẩm tiềm năng OCOP của thành phố gồm gà đen Hơ Mông, gà ri lai Mía, trứng gà đen Hơ Mông. Thu nhập bình quân của các thành viên của HTX là 6,5 triệu đồng/tháng”, ông Quý thông tin.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết: Trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thủ đô, vai trò của HTX được thể hiện nổi bật, nhất là các HTX nông nghiệp tham gia xây dựng nông thôn mới thông qua thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng kết nối để tiến tới phát triển ổn định và bền vững.
Cụ thể là việc tham gia đóng góp quy hoạch, xây dựng hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, tăng cường năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hoạt động của các HTX đã góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thành viên của các HTX không chỉ hợp tác, thụ hưởng lợi ích kinh tế mà còn thụ hưởng các chính sách phát triển văn hóa - xã hội trong cộng đồng, được tham gia các hoạt động phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, hoạt động văn hóa - xã hội.
“Thông qua các HTX đã giúp cho nhiều thành viên HTX có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn được cải thiện, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng tình làng, nghĩa xóm gắn kết, đảm bảo an ninh trật tự và sự ổn định ở nông thôn. Các HTX đã thực hiện hỗ trợ con giống, vật tư giúp cho các thành viên có điều kiện khó khăn tái đầu tư sản xuất. Đồng thời, tham gia đóng góp vào quỹ an sinh xã hội của địa phương, nhận đỡ đầu giúp các hộ thành viên thoát nghèo”, ông Nguyễn Mạnh Quyền chia sẻ.
Thực hiện "mục tiêu kép"
Cùng như HTX Yên Hòa Phú, để thực hiện "mục tiêu kép" vừa hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, vừa thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, HTX bưởi đỏ Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh thành lập năm 2018 ban đầu chỉ có hơn 10 thành viên. Với phương thức hoạt động đổi mới hiệu quả, đến nay, số thành viên đã tăng lên gần 30 người. Yếu tố thu hút bà con tham gia HTX là vì họ tìm thấy sự giúp đỡ, tương trợ nhau trong sản xuất, khắc phục một số yếu kém của kinh tế hộ như thiếu vốn, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất, lại tăng được sức cạnh tranh và giá bán trên thị trường.
Các HTX tiếp tục phát huy vai trò cầu nối trong xây dựng NTM. |
Ông Lương Văn Phương, Giám đốc HTX cho biết, năm 2020 là năm đầu tiên HTX triển khai tập huấn, hướng dẫn các thành viên chăm sóc bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 7,7ha.
Ngoài cung cấp bưởi quả, HTX Bưởi đỏ Đông Cao còn sưu tầm, tuyển chọn giống bưởi đỏ tốt để chiết ghép giống cho bà con. Đầu năm 2021, HTX đã cung cấp khoảng 30.000 cây giống phục vụ các nhà vườn trong và ngoài tỉnh mở rộng diện tích trồng.
Sản phẩm bưởi đỏ của HTX Đông Cao đã được UBND TP Hà Nội công nhận “4 sao” trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Trong năm 2021, HTX được hỗ trợ trên 1 tỷ đồng sản xuất sản phẩm bưởi liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thuộc Chương tình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ đó đã tạo ra nhiều cơ hội cho HTX phát triển thương hiệu.
Bên cạnh những đóng góp về mặt kinh tế, các HTX tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa chính quyền địa phương với bà con nông dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giải quyết việc làm cho một bộ phận dân cư, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Có thể khẳng định, qua hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay, diện mạo của Thủ đô ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại.
Đồng thời, Hà Nội sẽ phấn đấu phát triển vùng ngoại ô trở thành hạt nhân phát triển, đi đầu cả nước để đưa nông thôn Thủ đô trở thành miền quê đáng sống, gắn với phát huy thế mạnh của đất trăm nghề và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, góp phần nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững cho bà con nông dân.
Thu Hiền