HTX Dịch vụ và trồng cây ăn quả Xuân Thành, xã Xuân Hồng, huyện Thọ Xuân là mô hình kinh tế hợp tác tiêu biểu có vai trò dẫn dắt các thành viên và người dân phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập và từng bước giảm nghèo, vươn lên khá giả.
HTX là công cụ giảm nghèo hiệu quả
Với mục tiêu phát triển kinh tế theo chuỗi giá trị sản xuất bền vững, HTX Xuân Thành đã nhận được sự hỗ trợ của địa phương và Nhà nước thông qua nguồn vốn từ các chương trình giảm nghèo 30a và 135, chương trình xây dựng nông thôn mới. Cùng với sự cố gắng của thành viên, mô hình sản xuất của HTX đã thu được những “trái ngọt”.
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, công tác giảm nghèo luôn được tỉnh Thanh Hóa quan tâm và thực hiện có hiệu quả trong những năm qua. |
Ngoài nguồn vốn góp của 27 thành viên, HTX còn được địa phương hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn quả theo hướng hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Với hơn 100 ha diện tích đất sản xuất, trong đó có 25 ha trồng theo hướng VietGAP, đến nay, toàn bộ đã được đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm. Các thành viên có thể chủ động vận hành, sửa chữa hệ thống tưới tiết kiệm, ứng dụng các kỹ thuật ghép cải tạo cây ăn quả theo hướng VietGAP.
Không dừng lại ở đó, HTX còn mạnh dạn đầu tư kho lạnh bảo quản hoa quả, hệ thống tưới tiêu tự động, máy sấy, máy cắt cỏ… Vì thực hiện theo quy trình VietGAP nên các thành viên thực hiện nghiêm quy định ghi chép nhật ký sản xuất, sản phẩm trái cây của HTX được đánh giá ngon, sạch, an toàn và ngày càng tạo được uy tín trên thị trường.
Nhờ sản xuất hiệu quả, doanh thu của HTX ngày một tăng, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động với thu nhập bình quân 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Theo chị Hà Thị Thúy, Giám đốc HTX Dịch vụ và trồng cây ăn quả Xuân Thành, cái được lớn nhất từ khi tham gia và phát triển mô hình HTX là nhận thức của người dân đã thay đổi từ sản xuất phân tán sang trồng tập trung có đầu tư thâm canh, tạo được chuỗi sản xuất liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và tận dụng được đất đai, lao động địa phương.
Trong bối cảnh người dân địa phương luôn có nhu cầu phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo nhưng lại thiếu vốn và không thể tiếp cận các nguồn vốn vay của các tổ chức tài chính hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, HTX đã tạo điều kiện cho thành viên và người dân vay vốn theo hình thức trả chậm, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật để người dân thuần thục trong sản xuất.
“Nếu như trước đây, người dân thường gặp khó khăn trong vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm thì nay với vai trò cầu nối giữa kinh tế hộ thành viên và thị trường, HTX Xuân Thành giúp đầu ra cho sản phẩm nông sản được khơi thông nên bảo đảm lợi nhuận về tay người dân”, chị Thúy cho hay.
Lãnh đạo UBND xã Xuân Hồng, huyện Thọ Xuân đánh giá, từ thành công trong việc trồng cây ăn quả theo chuỗi giá trị, các thành viên HTX Xuân Thành đã nhiệt tình vận động, hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm cho bà con trong xã phát triển mô hình kinh tế vườn, khuyến khích nhiều người trong xã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả để có thu nhập cao hơn.
Thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục đồng hành cùng HTX đầu tư cho khâu thiết kế bao bì đóng gói sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc, liên kết với các công ty sơ chế nông sản để khơi thông đầu ra cho các hộ dân trên địa bàn. Song song đó là kết hợp xây dựng sản phẩm thế mạnh theo Chương trình OCOP để khẳng định chất lượng và thương hiệu, từng bước giúp người dân giảm nghèo bền vững trên chính mảnh đất quê hương.
Động lực vượt khó
Thanh Hóa là tỉnh có diện tích rộng, người dân chủ yếu phát triển nông-lâm nghiệp là chính. Nhờ đó, thông qua chính sách giảm nghèo đã xuất hiện nhiều mô hình HTX hiệu quả, giúp hàng nghìn hộ nghèo thay đổi cách thức, nhận thức làm ăn, từ đó nâng cao thu nhập cho thành viên.
Nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, ổn định cuộc sống. |
Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, được xác định là một trong 5 chương trình trọng tâm của Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hóa.
Để thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất, hỗ trợ sinh kế, nâng cao thu nhập cho người nghèo, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến các địa phương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, kích cầu cho hộ nghèo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật.
Đồng thời, tranh thủ vận dụng các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hộ nghèo có thêm điều kiện sản xuất.
Đặc biệt, giảm nghèo thông qua mô hình HTX đã thấy được vai trò là "bà đỡ" của HTX trong việc thúc đẩy kinh tế thành viên phát triển.
Một trong những hoạt động hỗ trợ giảm nghèo bền vững ở Thanh Hóa được các HTX triển khai hiệu quả nhất và thể hiện là công cụ giảm nghèo đó là vấn đề hỗ trợ góp vốn xoay vòng trong thành viên với hình thức xét thành viên khó khăn hỗ trợ cho mượn trước.
“Thực tế, thành viên luôn có nhu cầu phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo nhưng lại thiếu vốn và không thể tiếp cận các nguồn vốn vay của các tổ chức tài chính hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, việc tổ chức các hoạt động tín dụng mang tính chất nội bộ trong các HTX ở đây là giải pháp phù hợp nhất”, ông Lê Đức Giang cho biết.
Tại xã vùng cao Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc, bên cạnh mô hình giảm nghèo từ rau, củ, cây trái vụ xã đã chủ động nhân rộng và đa dạng mô hình trồng các loại cây chất lượng cao trong nhà màng nhằm thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp và xây dựng Minh Sơn, xã Minh Sơn cho biết, ngoài duy trì sản xuất 150 ha mía nguyên liệu, HTX đã đầu tư xây dựng gần 2500 m2 nhà màng để trồng dưa vàng theo công nghệ cao, với sự hỗ trợ về nguồn vốn từ chương trình giảm nghèo của tỉnh. Mô hình nhà màng cho phép sản xuất mỗi năm 4 lứa cây trồng, trong đó có 3 lứa dưa vàng và 1 lứa rau, lợi nhuận đạt trên 500 triệu đồng.
Từ hiệu quả của mô hình, HTX đã đầu tư phát triển thêm 3000 m2 nhà màng để trồng các loại cây ăn quả và cây đặc sản vùng miền, nhằm tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho các thành viên.
Có thể thấy, nhờ có HTX, các hộ nghèo có điều kiện ổn định và nâng cao năng lực sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh. Nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, góp phần tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao chất lượng hàng hóa, thu nhập ổn định cho thành viên.
Đoàn Huyền