Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Bắc Ninh, năm 2006, ông Nguyễn Duy Phượng chuyển đến huyện Sốp Cộp lập nghiệp bằng nhiều công việc khác nhau như: buôn cá giống, nuôi lợn, gà... Tuy nhiên, với quy mô nhỏ lẻ, manh mún khiến kinh tế gia đình vẫn chưa thể bứt lên được.
Thành công nơi đất khách
Nhận thấy tiềm năng và nhu cầu về giống cây trồng và vật nuôi tại địa phương rất lớn, sẵn có kiến thức, kinh nghiệm trồng cây ăn quả và chăn nuôi, năm 2011, ông Phượng đã đứng ra vận động người dân thành lập HTX nông nghiệp Nam Phượng, với 7 thành viên tham gia ban đầu.
Ngành nghề hoạt động là cung ứng giống cây trồng, vật nuôi và sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Mô hình chăn nuôi, cây con giống trên địa bàn huyện tổng diện tích lên tới 3ha. Trong suốt thời gian thành lập đến nay, bản thân ông Phượng cùng các thành viên đã có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Điển hình là các mô hình vườn ươm trồng cây ăn quả, nuôi ong, chăn nuôi gia súc, gia cầm, cung ứng cây, con giống các loại.
Ông Nguyễn Duy Phượng, Giám đốc HTX Nam Phượng (phải) hướng dẫn các thành viên và người lao động kỹ thuật trồng dứa. |
Để giúp HTX ứng dụng công nghệ trong sản xuất, nâng cao hiệu quả, ông Phượng luôn tìm tòi, học hỏi và vận động, hỗ trợ các thành viên áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel cho cây ăn quả. Theo đó, cá nhân ông Phượng đã mạnh dạn đầu tư trước hàng trăm triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm để làm gương cho các thành viên làm theo.
Là Giám đốc HTX nên ông Phương luôn có trách nhiệm, tích cực trong sản xuất, chăm sóc, mở rộng và phát triển các mô hình cây con giống, áp dụng các khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp. Đáng chú ý, ông luôn có ý tưởng giúp HTX mở rộng sản xuất, tạo việc làm, nâng thu nhập cho thành viên và người lao động.
Ông Phượng cho biết, sau khi lắp đặt hệ thống tưới hàng trăm triệu đồng đã cho thấy hiệu quả rõ rệt như: tăng năng suất, chất lượng quả đảm bảo, mẫu mã đẹp, giảm được giá thành sản xuất, giảm rủi ro và sự lệ thuộc vào thời tiết.
"Lợi nhuận thu được khi gia đình tôi ứng dụng công nghệ cao khoảng trên 100 triệu đồng/ha, góp phần nâng cao thu nhập và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp" ông nói.
Từ kết quả mang lại do đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm của ông Phượng, nhiều thành viên HTX đã áp dụng theo. Để các thành viên không phải bỡ ngỡ, không mua thiết bị kém chất lượng, ông Phương đã giới thiệu đơn vị lắp đặt có uy tín, đồng thời hướng dẫn các thành viên sử dụng một cách thành thạo và hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, cá nhân ông Phượng còn tích cực triển khai các bước để giúp HTX xây dựng thương hiệu và được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Nếp tan Mường Và-Sốp Cộp” cho sản phẩm gạo nếp tan Mường Và của huyện Sốp Cộp đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh; Thương hiệu Mật Ong Sốp Cộp đạt tiêu chuẩn VietGap...
Đặc biệt, với vai trò là Giám đốc HTX, ông Phượng còn tích cực hỗ trợ người dân thực hiện từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đồng thời trở thành cầu nối liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa người dân và đơn vị ký hợp đồng về sản xuất, tiêu thụ dứa và một số sản phẩm nông sản khác.
"Nhờ có ông Phượng mà sản phẩm của các thành viên chúng tôi sản xuất được ổn định đầu ra và giá cả", Anh Nguyễn Duy Vui, thành viên HTX Nam Phượng chia sẻ.
Tạo việc làm, ổn định thu nhập cho người dân
Với vai trò là Giám đốc HTX, năm 2020, ông Phượng và các thành viên của HTX đã cung cấp ra thị trường 10.000 kg cá giống các loại; 50 con bò, bê giống, 1.800 kg cá thịt; 3,000 con gà thịt; 14.000 giống gia cầm; trên 40.000 cây giống ăn quả các loại; chăm sóc 10 ha cây ăn quả các loại, thu hoạch 1.700 lít mật ong... xây dựng nhà xưởng bảo quản nông sản. Liên kết với Công ty cổ phần Đồng Giao trồng 40 ha dứa trên địa bàn xã Mường Và.
Không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, đến nay HTX Nam Phương do ông Phượng làm Giám đốc còn tạo việc làm cho 28 lao động, trong đó 12 lao động chủ chốt chính, 16 lao động làm thời vụ. Các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả rõ rệt, mỗi năm vườn cây ăn quả, ươm cây giống thu 1,3 tỷ; trang trại lợn rừng thu về 120 triệu/năm; 1,5 ha nuôi trồng thủy sản với trên 12 tấn cá; trang trại nuôi bò sinh sản thu về hơn 700 triệu/năm; mô hình nuôi gà thịt, gà giống thu 70 triệu/năm...
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất, năm 2021, ông lại tiếp tục vận động người dân đầu tư, phát triển thêm mô hình nuôi ong tại 40 hộ gia đình tại các xã Mường Và, Dồm Cang, xã Sốp Cộp. Nhờ đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật tiên tiến, từ 90 đàn ong giống ban đầu, đến nay, số đàn ong của HTX tăng lên 760 đàn, hàng năm cho thu về 2,6 tấn mật.
Nuôi ong mật nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với vườn rừng và bảo tồn đa dạng sinh học ở HTX Nam Phượng. |
Ông Lò Minh Dượng, bản Sốp Cộp, xã Sốp Cộp, chia sẻ: "Trong quá trình nuôi ong, chúng tôi được ông Phượng hỗ trợ giống và các phương pháp chăm sóc ong. Đến nay, nhà tôi có 50 thùng ong, hàng năm thu nhập từ bán mật ong cũng được trên 40 triệu đồng. Nhờ có ông Phượng giúp đỡ nên gia đình tôi có thu nhập ổn định, thoát cảnh nghèo".
Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế cho các thành viên HTX, ông Phượng còn tích cực vận động các hộ gia đình trong bản, trong xã cùng phát triển cây ăn quả chủ lực có hiệu quả kinh tế cao. Bản thân ông luôn gương mẫu trong việc thực hiện đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội, kịp thời động viên, ủng hộ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để họ được phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo.
Nói về dự định trong thời gian tới, ông Phượng cho biết, HTX sẽ tiếp tục mở rộng quy mô trồng cây ăn quả và xây dựng thêm nhà xưởng, kho, sân phơi với diện tích trên 2.000m², đầu tư làm dây chuyền sấy quả và ép trái cây, xưởng đóng bao bì và máy hút chân không; xây dựng kho lạnh để thu mua nông sản cho bà con; vận động các thành viên HTX trồng dứa nguyên liệu với diện tích khoảng 10ha. "Tôi hy vọng đây sẽ là hướng đi mới mang lại thu nhập ổn định hơn cho bà con ở địa phương", ông Phượng nói.
Phương Nam