Hiện nay, đồng bào DTTS trong tỉnh đã ứng dụng KH&CN vào trồng quả sơn tra và các sản phẩm chế biến từ quả sơn tra như dự án ghép cải tạo cây sơn tra kém hiệu quả với giống sơn tra trội nhằm tăng năng suất, đồng nhất về chất lượng. Từ đó, đã được thị trường ưa chuộng, đem lại giá trị kinh tế.
Ứng dụng nhân giống sơn tra
Tại HTX sơn tra Nậm Lộng, bản Nậm Lộng, xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, nơi có đông đồng bào DTTS người Mông sinh sống. Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, HTX đã cử cán bộ tham gia tập huấn, tiếp thu kiến thức về phát triển nông nghiệp ứng dụng KH&CN như: Kỹ thuật ghép mắt, tỉa cành, phòng chống sâu bệnh, chăm sóc, thu hái và bảo quản quả sơn tra, sau đó về hướng dẫn cho các thành viên HTX và bà con trong bản.
Kỹ thuật nhân giống sơn tra đang được bà con DTTS ứng dụng nhằm đem lại năng suất cao. |
Đồng thời, HTX đã lựa chọn những cây sơn tra trội để nhân giống, mở rộng diện tích. Đặc biệt, sau thu hoạch không dùng hóa chất bảo quản, nên sản phẩm sơn tra bảo đảm an toàn với người tiêu dùng. Hiện nay, HTX có 50 ha sơn tra, trong đó 20 ha đã cho thu hoạch, HTX đang chuẩn bị 2 vạn mắt ghép và ươm 1 vạn cây giống để cung cấp cho các dự án và nhân dân trồng mới.
Giám đốc HTX sơn tra Nậm Lộng – anh Giàng A Chinh người dân tộc Mông, cho biết: Để giúp người dân và các thành viên có kiến thức chăm sóc cây sơn tra, HTX đã tìm mua các cuốn sách hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây và đến Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện học cách ươm cây giống, cải tạo, ghép mắt.
Từ đó, về truyền đạt lại cho người dân trong bản và các thành viên HTX để triển khai ghép mắt, cải tạo lại những cây sơn tra đã thoái hóa.
Anh Phàng A Chiếu người dân tộc Mông, thành viên HTX chia sẻ, trước đây diện tích nương của gia đình chủ yếu trồng lúa, dong riềng nhưng cho hiệu quả thấp nên đã chuyển sang trồng cây sơn tra. Hiện nay, một số diện tích cây sơn tra trồng từ những năm trước đã ra quả và cho thu nhập.
"Từ khi tham gia vào HTX, được hướng dẫn ứng dụng KH&CN trong kỹ chăm sóc, cải cải, ươm mắt cây sơn tra đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình chúng tôi đã ổn định cuộc sống", anh Phàng A Chiếu nói.
Ông Hà Văn Lỏn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bắc Yên cho biết, thời gian qua, Phòng NN&PTNT phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp cử cán bộ xuống các xã, bản trực tiếp hướng dẫn người dân cách chăm sóc cây sơn tra.
Tổ chức các chương trình, dự án ghép cải tạo cây sơn tra kém hiệu quả với giống sơn tra trội nhằm tăng năng suất và tạo sản phẩm quả đồng nhất về chất lượng.
Hỗ trợ cho các HTX xây dựng vườn ươm ứng dụng công nghệ ươm giống cây sơn tra lưu vườn và thực hiện ghép giống cây sơn tra trội, phục vụ phát triển vùng nguyên liệu sơn tra trong tỉnh.
Hình thành các chuỗi liên kết
Từ các dự án chế biến và tiêu thụ quả sơn tra. Hiện nay, các HTX đang liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để duy trì sản xuất các sản phẩm từ quả sơn tra.
Việc lai ghép, cải tạo cây sơn tra đã tạo ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng. |
Sơn tra được lựa chọn là 1 trong 16 sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh Sơn La. Để phát triển và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, cần sự vào cuộc của tất cả các sở, ban, ngành, đặc biệt là quyết tâm của các địa phương trên địa bàn tỉnh. Tại nhiều địa phương, cây sơn tra được xác định là cây trồng chủ lực xóa đói nghèo cho các bản vùng cao người DTTS.
Tuy nhiên, hiện nay có rất ít các đối tác liên kết với các HTX trong việc thu mua và chế biến các sản phẩm từ sơn tra, công suất hoạt động chỉ đảm bảo tiêu thụ khoảng 20% sản lượng sơn tra tươi của địa phương, còn lại đều thông qua tư thương.
Để đến được tay người tiêu dùng, và cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến, nhiều HTX đã ứng dụng KH&CN như kết nối đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử: Sendo, Voso, Lazada, Shopee...
Ông Vừ A Thanh, người dân tộc Thái, Giám đốc HTX Thanh Sơn, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu chia sẻ, HTX đang đẩy mạnh phát triển cây sơn tra. HTX cũng đẩy mạnh ứng KH&CN như sử dụng các cây trội để ghép cải tạo và trồng sơn tra giống ghép, tạo sản phẩm quả đồng nhất về chất lượng và tổ chức quản lý giống theo chuỗi.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến liên kết tiêu thụ sơn tra, HTX đã vận dụng công nghệ số trong trong giới thiệu sản phẩm như đưa lên sàn thương mại điện tử Sendo và Shopee.
Tháng 5/2021 HTX đã liên kết được với doanh nghiệp tiêu thụ được 15 tấn sơn tra đem lại thu nhập cho HTX và thành viên là người DTTS.
Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La đánh giá, liên kết sản xuất là nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh sơn tra, nâng cao đời sống của nông dân trồng sơn tra, đặc biệt là bà con dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, với những lợi thế sẵn có, Sơn La đang hướng đến mục tiêu tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm sơn tra, phát triển thương hiệu vững mạnh, tập trung vào quy hoạch, cải tạo nâng cao chất lượng vùng trồng theo chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.
Cụ thể, ngành nông nghiệp Sơn La đã phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoàn thiện cơ sở chế biến sản phẩm theo định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ HTX tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống siêu thị, hội chợ, tuần văn hóa giới thiệu sản phẩm nông sản của tỉnh.
Đồng thời, thẩm định và công nhận 108 cây sơn tra trội tại huyện Mường La, Bắc Yên. Đây là nguồn cây giống quan trọng để các vườn ươm khai thác mắt ghép, nhân giống, đáp ứng yêu cầu của đơn vị thu mua và cung cấp giống.
Song song với các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, việc đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm.
“Đặc biệt, mới đây, tỉnh Sơn La đã thu hút một số doanh nghiệp chế biến lớn lên khảo sát và xác định chất lượng sơn tra, phục vụ hoạt động chế biến của doanh nghiệp và sẽ làm đầu mối thu mua sơn tra tươi của Sơn La để xuất khẩu. Những doanh nghiệp này đã đạt chuẩn Lead Silver của Mỹ, áp dụng KH&CN 4.0 trong quản lý và vận hành. Việc các HTX liên kết với doanh nghiệp là tín hiệu thuận lợi để tiêu thụ các sản phẩm sơn tra của tỉnh nói chung và vùng đồng bào DTTS nói riêng”. Ông Hà Như Huệ cho biết.
Minh Thành