Hà Lai nổi tiếng với những món ẩm thực như: lươn om, thịt cầy nướng, vịt quay..., nhưng sẽ thiếu nếu không kể đến bánh lá.
Thứ quà quê dân dã ngon nức tiếng
Trò chuyện với VnBusiness, chị Nguyễn Thị Lý - Giám đốc HTX cho biết, Hà Lai là xứ đồng chiêm trũng bán sơn địa. Cũng bởi điều kiện canh tác nông nghiệp vất vả, nên thuở xưa, cuộc sống của người dân nơi này nghèo khó, vất vả. Nhưng chính từ những cánh đồng chiêm ấy, với thổ nhưỡng và khí hậu đặc biệt đã sản sinh ra nhiều thứ gạo thơm ngon nổi tiếng. Để rồi gạo ngon từ đồng, thêm chiếc lá dong trong vườn, miếng thịt lợn chợ quê, qua bàn tay tài khéo của những người phụ nữ đã tạo nên chiếc bánh lá đậm đà dư vị.
"Với đặc thù là một xã thuần nông, nghề sản xuất chính của nhân dân là trồng lúa nước và chăn nuôi. Từ những sản phẩm nông nghiệp do chính tay mình làm ra, các thành viên HTX Hà Lai đã kết hợp để chế biến thành món bánh lá trứ danh nơi đây. Ai đã một lần được thưởng thức món bánh lá Hà Lai đều không thể quên hương vị thơm ngon, đậm đà của món bánh này", chị Lý nói.
HTX quản lý chặt khâu sản xuất của từng cơ sở làm bánh; hỗ trợ tín chấp cho các hộ vay vốn ngân hàng đầu tư mua lò hấp bánh, máy hút chân không đóng gói sản phẩm,... |
Xưa kia, món bánh đặc sản này thường được người dân làm vào những dịp lễ Tết, giỗ chạp, cưới hỏi hay những sự kiện quan trọng, đặc biệt. Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu thị trường nên món ngon này đã trở nên phổ biến và được người dân nơi đây sản xuất hàng ngày.
Nhìn bên ngoài, bánh lá Hà Lai có công thức, hình dáng tương tự như một số loại bánh của địa phương khác.
Cách thức làm bánh rất đơn giản nhưng bí quyết để có được chiếc bánh ngon thứ thiệt thì duy chỉ có các thành viên HTX Hà Lai mới nắm được. Gạo làm bánh thường là gạo Xi 23, loại dẻo và thơm nhất, được chọn lọc kỹ càng sau mỗi vụ thu hoạch và được người dân cẩn thận bảo quản riêng để dùng làm bánh. Gạo được ngâm trong nước lạnh trong khoảng từ 2 - 3h thì đem xay nhuyễn thành bột. Bột vừa xay xong sẽ được đặt lên bếp, khuấy đều tay cho đến khi nồi bột gạo dẻo...
Bà Bùi Thị Thể, thành viên HTX cho biết, quy trình kỹ thuật làm bánh ngày nay dù đã được cải tiến bằng một số loại máy móc, nhưng vẫn giữ gần như nguyên vẹn bí quyết truyền thống từ xưa. "Chỉ cần có chút sơ suất nhỏ trong khâu sơ chế bột có thể khiến chiếc bánh làm ra không còn ngon nữa. Kỹ thuật ngâm gạo và “giáo bột” là bí quyết rất riêng, làm nên hương vị đặc trưng của bánh lá Hà Lai hoàn toàn khác biệt và không thể lẫn với bánh của các địa phương khác", bà Thể chia sẻ.
Để góp phần tạo nên món ngon trứ danh này không thể thiếu nhân chất lượng. Nhân bánh được làm từ thịt ba chỉ, hành khô, mộc nhĩ được tẩm ướp đều tay với gia vị (muối, tiêu bắc,...) cho mùi thơm nồng. Chiếc bánh được những người thợ khéo léo gói trong lá dong. Sau khi gói, bánh được xếp ngay ngắn và đồ hơi đến chín.
Mối liên kết hiệu quả, kinh tế
Với người dân nơi đây trên mâm cỗ ngày tết cổ truyền hay những ngày lễ trong năm, tuy có rất nhiều thức ăn ngon nhưng luôn có thêm đĩa bánh lá bốc khói nghi ngút, thơm lừng mùi hành mỡ, lá dong thật hấp dẫn. Thưởng thức món bánh lá dẻo thơm chấm với nước mắm ngon, mới hiểu vì sao bánh lá Hà Lai lại trở thành món ăn đặc sản truyền thống của vùng quê xứ Thanh này.
Sau khi sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao vào năm 2021, HTX đã đầu tư vào nhãn dán, bao bì, logo, tem truy xuất nguồn gốc,... đẹp mắt để đáp ứng thị hiếu khách hàng. |
Theo đó, để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, HTX (hiện có 35 thành viên) đã đứng ra liên kết với các hộ dân để sản xuất lúa Xi 23 trên diện tích 60 ha và trồng lá dong 8,5 ha, chủ động nguyên liệu làm bánh. Đồng thời, HTX ký hợp đồng với các cơ sở giết mổ trong huyện lấy nguồn thịt lợn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cung cấp cho các cơ sở làm bánh. HTX cũng quản lý chặt khâu sản xuất của từng cơ sở làm bánh; hỗ trợ tín chấp cho các hộ vay vốn ngân hàng đầu tư mua lò hấp bánh, máy hút chân không đóng gói sản phẩm,...
Nhờ những nỗ lực không ngừng, năm 2021, bánh lá Hà Lai được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Đây là một bước ngoặt ghi nhận công sức gìn giữ truyền nghề, thu hút lao động nông thôn tại địa phương của HTX.
"Sau khi sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao, HTX đã đầu tư vào nhãn dán, bao bì, logo, tem truy xuất nguồn gốc,... đẹp mắt để đáp ứng thị hiếu khách hàng, xây dựng trang web “banhlahalai.vn”, chú trọng công tác quảng bá thông qua tham gia các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, hội chợ trong và ngoài tỉnh...", Giám đốc Nguyễn Thị Lý thông tin.
Được biết, trên địa bàn xã Hà Lai hiện có hơn 10 hộ (cơ sở) sản xuất thường xuyên có quy mô lớn mang thương hiệu Bánh lá Hà Lai, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Mỗi chiếc bánh được bán với giá từ 3.000 – 5.500 đồng. Bánh được sản xuất theo đơn đặt hàng và có thể phục vụ theo nhu cầu của khách nên giá thành cũng dao động. Trung bình mỗi tháng, HTX bán ra thị trường từ 30.000 - 50.000 sản phẩm, tạo việc làm thường xuyên cho gần 200 lao động địa phương.
Ông Nguyễn Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã Hà Lai cho biết, hiện nay, bánh lá Hà Lai được sản xuất với quy mô lớn, theo quy trình nghiêm ngặt do HTX Dịch vụ nông nghiệp Hà Lai quản lý, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Sản phẩm đang dần vươn ra xa hơn trên thị trường cả nước, trở thành món ẩm thực quen thuộc, khẳng định thương hiệu và chất lượng với người tiêu dùng cả 3 miền. Nghề làm bánh truyền thống đang ngày càng phát triển, thu hút được rất nhiều lao động tại địa phương, nhất là các bà, các mẹ, chị em phụ nữ. Chính vì vậy đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân Hà Lai.
Chú trọng chất lượng, phát triển thương hiệu
Ngày nay, các thế hệ đi trước vẫn hàng ngày truyền lại nghề cho thế hệ sau. Trải qua bao thăng trầm, nghề làm bánh lá ngày càng phát triển, có sự thay đổi để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
HTX hiện có 35 thành viên, đã đứng ra liên kết với các hộ dân để sản xuất lúa Xi 23 trên diện tích 60 ha và trồng lá dong 8,5 ha, chủ động nguyên liệu làm bánh. |
Theo chia sẻ của các thành viên HTX, chất lượng sản phẩm luôn là yếu tố then chốt quyết định sự tồn tại và phát triển của bất kỳ doanh nghiệp, đơn vị sản xuất nào, và HTX Hà Lai không phải là ngoại lệ. Với triết lý "Chất lượng là sống còn", HTX cùng các thành viên đã thiết lập một quy trình sản xuất khép kín, từ khâu chọn lọc nguyên liệu cho đến chế biến và phân phối để có một chỗ đứng trên thị trường đầy cạnh tranh như hiện nay.
Cùng với đó, các hộ thành viên cũng được tập huấn về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện khám sức khỏe định kỳ, có giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm do địa phương cấp.
Ngoài ra, Trạm y tế xã cũng thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các loại nguyên liệu như gạo, thịt, mộc nhĩ…, tất cả đều phải là sản phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ.
"Chiếc bánh lá của xứ đồng chiêm trũng Hà Lai đã tồn tại trên mảnh đất này suốt hàng trăm năm. Trải qua thời gian, trải qua cả những thăng trầm lịch sử, sản vật nhỏ bé mà chứa đựng bao cơ tầng văn hóa ấy vẫn luôn có mặt trong đời sống của người dân trên mảnh đất này. Để rồi, ngày hôm nay, bánh lá đang dần vươn ra khỏi địa hạt xứ đồng chiêm, khẳng định thương hiệu và chất lượng với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh", chị Lý tự hào nói.
Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Hà Trung đánh giá, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hà Lai đã khéo léo kết hợp giữa quy trình sản xuất truyền thống và tư duy làm kinh tế hiện đại, tạo nên một mô hình liên kết hiệu quả trong việc phát triển sản phẩm bánh lá răng bừa truyền thống, HTX đã xây dựng được chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Lê Hồng