Không chỉ làm tốt khâu sản xuất, chế biến, nhiều HTX còn trực tiếp tham gia xuất khẩu các sản phẩm nông sản của địa phương, điển hình là HTX Đảo Ngọc ở xã Mường Bú, huyện Mường La, HTX Nông nghiệp Đoàn Kết ở huyện Mộc Châu, HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc ở huyện Yên Châu...
Nâng tầm giá trị nông sản bản địa
Tháng 5/2021, hơn 30 tấn xoài của HTX nông nghiệp Đảo Ngọc, Mường Bú, huyện Mường La đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đây được xem là một tín hiệu mừng của nông dân trồng xoài Mường La. Mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và việc triển khai đồng bộ các hoạt động XTTM đã khơi thông lô hàng đầu tiên của HTX xuất ngoại.
Cùng với việc tiêu thụ trong nước, các HTX đang tích cực hướng tới thị trường nước ngoài. |
Bà Phạm Thị Ảnh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đảo Ngọc cho biết: Hiện nay, HTX đã giúp thành viên HTX là người DTTS và người trồng xoài các xã trong huyện tiêu thụ hàng trăm tấn xoài sang thị trường Trung Quốc.
Trong đợt đầu tiên này đã có hơn 30 tấn xoài được xuất khẩu. Dự kiến vụ xoài năm tới HTX sẽ xuất khẩu 300 tấn xoài sang thị trường Trung Quốc. Đây là tín hiệu vui cho người dân Mường Bú nói riêng, huyện Mường La nói chung, góp phần giúp người dân yên tâm sản xuất.
Gia đình chị Lò Thị Thuỷ người dân tộc Thái huy động các thành viên gia đình thu hái xoài phục vụ lô hàng xuất khẩu lần này. Chị chia sẻ: Được HTX nông nghiệp Đảo Ngọc đến tận vườn thu mua và đóng gói, đồng thời nhận bao tiêu toàn bộ số lượng xoài của gia đình hiện có, nên tôi rất yên tâm về đầu ra sản phẩm trong tình hình dịch COVID-19 như hiện nay. Trong đợt này, 3 tấn xoài của gia đình tôi được lựa chọn xuất khẩu sang Trung Quốc, năm nay xoài được mùa nên sản lượng xoài của gia đình đạt khá cao.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La đánh giá, hiện nay nhiều sản phẩm nông sản có thế mạnh của huyện như xoài, nhãn, bưởi da xanh đã được đăng ký nhãn hiệu, những sản phẩm đã gây dựng được thương hiệu trên thị trường. Cùng với việc tiêu thụ trong nước, nông sản của huyện cũng từng bước xây dựng được chỗ đứng tại thị trường nước ngoài.
Nâng cao hiệu quả các HTX
Sơn La đã và đang quyết tâm cao trong tổ chức thành lập các HTX nông nghiệp kiểu mới theo chuỗi giá trị sản phẩm.
Những lô hàng xuất khẩu sang Châu Âu đang là động lực nâng cao hiệu quả của HTX. |
Các HTX nông nghiệp này sẽ gắn kết tất cả các thành viên là người DTTS với nhau. Khi gắn kết rồi sẽ chuyển đổi mạnh mẽ ý thức sản xuất qua đó tổ chức sản xuất theo đúng quy trình, quy chuẩn, đặc biệt là sản xuất theo yêu cầu của các nhà nhập khẩu.
HTX cà phê Bích Thao hiện có 11 thành viên là người DTTS ở xã Hua La, TP. Sơn La, diện tích trồng cà phê hơn 30 ha. Các thành viên HTX góp vốn bằng tiền mặt và giá trị quyền sử dụng đất, HTX còn liên kết sản xuất với 1.500 hộ nông dân trên diện tích hơn 2.000 ha.
Theo đó, HTX ký hợp đồng liên kết với các hộ, bảo đảm thu mua sản phẩm giá cao hơn thị trường, với điều kiện các hộ trồng, chăm sóc, thu hoạch cà phê theo đúng quy trình kỹ thuật được đại diện HTX giám sát chặt chẽ.
Giám đốc HTX Nguyễn Xuân Thao cho biết: “Qua các hoạt động XTTM, hiện các sản phẩm cà phê của HTX đã có mặt tại 40 tỉnh, thành phố trên cả nước, và một số sản phẩm chế biến sâu đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ... Mới đây, một số doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã trực tiếp đến HTX phân tích, thử nghiệm chất lượng cà phê để hướng tới hợp tác thu mua”.
Ngoài cà phê, hiện Sơn La còn khá nhiều HTX rau quả, trái cây hoạt động hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho các nông hộ người DTTS. Chính nhờ sự phát triển mạnh mẽ của các HTX, tỉnh đã thu hút được nhiều nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp, với 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu.
Đánh giá về hiệu quả của XTTM mà đầu tàu là các HTX vùng DTTS, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, Sơn La hiện là vựa hoa quả lớn nhất miền Bắc, với tổng diện tích cây ăn quả hơn 80.000 ha. Với đặc thù là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ nhận thức và canh tác của người dân nhiều vùng còn hạn chế. Vì vậy, một trong những giải pháp được Sơn La đẩy mạnh là thành lập các HTX nông nghiệp an toàn, qua đó gắn kết các thành viên và từng bước chuyển đổi ý thức, nhận thức của người dân trong khâu sản xuất, cũng như xúc tiến, quảng bá sản phẩm để làm ra các sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu.
Minh Thành