HTX cung ứng giống cây dổi và dịch vụ nông nghiệp xã Chí Đạo là đơn vị tiêu biểu đang phát triển theo Luật HTX 2012 trên địa bàn huyện Lạc Sơn. Theo đại diện UBND xã, từ khi HTX Chí Đạo ra đời, hạt dổi, cây dổi giống của địa phương đã có những bước tiến đáng kể.
Đặc biệt, sản phẩm hạt dổi đã được xếp hạng 3 sao của tỉnh trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây là cách bảo vệ chất lượng hạt dổi của địa phương trước sự xâm nhập tràn lan của các loại sản phẩm không rõ nguồn gốc trên thị trường.
Đưa sản xuất vào quỹ đạo
Theo các thành viên, từ khi sinh ra, ai cũng thấy cây dổi được trồng trong vườn nhà. Thế nhưng, trước năm 2000, dân bản trồng dổi chỉ để lấy gỗ dựng nhà sàn, không biết khai thác hạt dổi đem bán. Khi đó, đến mùa dổi rụng quả, người dân thường nhặt lấy hạt đem ngâm rượu làm thuốc xoa bóp chữa đau chân, đau tay, đau lưng. Ngoài làm thuốc, hạt dổi còn dùng làm gia vị cho các món ăn.
Dù có nhiều giá trị, song người dân nơi đây không coi cây dổi là kế sinh nhai. Họ vẫn chỉ trồng ngô, trồng lúa làm cây lương thực và coi đó là những cây cho thu nhập chính. Thế nên, cuộc sống khó khăn, đói nghèo cứ đeo bám mãi.
Khoảng 5 trở lại đây, mọi chuyện đã khác. Hạt dổi bắt đầu được nhiều thương lái đến tìm mua. Vào mùa quả chín, người dân chú tâm thu hoạch quả, tách hạt phơi khô rồi đem bán với giá vài trăm nghìn đồng mỗi kg. Cứ thế, năm sau giá hạt lại tăng cao hơn năm trước. Đây cũng là lý do để dân xứ Mường bắt đầu trồng cây dổi để lấy hạt.
Trước thực trạng trên, đồng thời với mong muốn giữ gìn những giá trị vốn có của cây dổi, HTX cung ứng giống cây dổi và dịch vụ nông nghiệp xã Chí Đạo ra đời, hướng dẫn người dân trồng, thu hoạch, chế biến và làm dịch vụ kinh doanh hạt và giống cây dổi.
Những cây dổi lâu năm được HTX cải tạo kết hợp với trồng mới để nâng cao hiệu quả. Đối với cây trồng mới, thời gian thu hồi vốn được tính từ lúc thành viên bắt đầu mua giống cây tới lúc cây cho thu hoạch. Nhờ áp dụng kỹ thuật trồng giâm hom, chỉ cần 3 - 5 năm là cây cho thu hoạch hạt.
Việc thu hoạch kết hợp với phát triển cây giống giúp các thành viên chủ động trong sản xuất cây dổi theo hướng hàng hóa. |
Ngoài trồng và chăm sóc dổi lấy hạt, 20 thành viên của HTX còn chuyên ươm và ghép cây dổi bán giống. Mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 1 triệu cây thực sinh, 40.000-50.000 cây dổi ghép.
Dổi là cây rất dễ chăm sóc, 2 năm đầu tiên chỉ cần bón phân chuồng hoai mục, sau đó để tự cây lớn và chờ đến ngày thu hoạch. Một cây dổi lâu năm cho thu khoảng 25 - 30kg hạt khô/năm, cây mới cho thu hoạch đạt khoảng 7 - 8kg hạt khô.
Những năm gây đây, dổi trở thành cây trồng chính trong vùng. Người dân mở rộng diện tích trồng dổi, người dân tỉnh khác cũng tới xã Chí Đạo mua dổi giống về trồng để phủ xanh đồi rừng và nâng cao giá trị kinh tế. Chính vì vậy, lượng cây giống bán ra tăng mạnh. Như năm 2019, HTX đạt doanh thu khoảng 6 tỷ đồng nhờ bán cây giống. Ngoài ra, HTX còn hướng dẫn và khuyến cáo các thành viên không vì lợi nhuận mà bảo quản, chế biến hạt dổi không đúng quy cách (như luộc hạt dổi để phơi nhanh khô). Sản phẩm được đóng gói có nhãn mác trước khi xuất ra thị trường.
Cây đặc sản giúp dân giảm nghèo
Nhờ trồng dổi, không ít hộ dân ở Chí Đạo thoát khỏi đói nghèo và vươn lên khá giả. Thậm chí, có gia đình còn thu tiền tỷ từ cây trồng đặc sản này. Anh Đỗ Văn Bé, thành viên HTX cho biết, gia đình anh có 3.000m2 đất trồng 100 cây dổi, trong đó có 80 cây lâu năm. Trung bình mỗi vụ, anh thu được gần 1 tấn hạt phơi khô đem bán cho HTX, thu về hàng trăm triệu đồng.
Hạt dổi đã thành sản phẩm đặc trưng của xã Chí Đạo và giúp người dân nâng cao thu nhập. |
Theo đại diện UBND xã, Chí Đạo có 6 xóm, khoảng 650 hộ dân, trong đó đồng bào dân tộc Mường chiếm tới 99%. Chỉ 5 năm về trước, Chí Đạo vẫn là một xã đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo lên tới 58,2%, nhưng nhờ cây dổi quý, cơ cấu kinh tế của xã có sự chuyển dịch tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 giảm xuống còn 28%; hộ khá, giàu chiếm 23%.
Hiện, toàn xã có 40ha trồng dổi, tương đương khoảng 15.000 cây, trong đó một nửa số cây đã cho thu hoạch. HTX cung ứng giống cây dổi và dịch vụ nông nghiệp xã Chí Đạo đang là đầu tàu trong sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm hạt và cây con trên địa bàn xã.
Kế hoạch của HTX trong thời gian tới là tiếp tục kết hợp với UBND xã trồng mới diện tích cây dổi tại các đất bãi bằng, đẩy mạnh công tác ươm ghép đi đôi với tìm các đầu mối để bao tiêu sản phẩm. Song song đó, HTX phát triển khu vực sản xuất thành điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái để thu hút khách nội địa và quốc tế.
Huyền Trang