Là một trong những HTX nông nghiệp khá hiệu quả, góp phần tích cực vào việc nâng chất nông thôn mới ở Cần Giờ, ông Huỳnh Văn Thanh, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp - Thương mại, dịch vụ, du lịch – Đầu tư và Xây dựng Cần Giờ - Tương Lai ở ấp Bình Thuận, xã Bình Khánh, cho biết, qua một năm hoạt động, HTX đã xây dựng được vùng sản xuất nông nghiệp với 100 hộ dân trên diện tích khoảng 150 ha đất sản xuất nông sản “sạch”.
Tiếp sức cho HTX
Vùng sản xuất sạch này có nghĩa là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không dư lượng kháng sinh, hóa chất cấm sử dụng trong ngành thực phẩm, tại các xã trên địa bàn huyện, như: Tôm, cá dứa, yến sào…
Điều đó đã giúp tạo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa HTX Cần Giờ - Tương Lai với các hộ dân sản xuất và các doanh nghiệp thu mua. HTX còn xây dựng được thương hiệu các sản phẩm đặc sản của Cần Giờ theo hướng bền vững.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở Cần Giờ (ảnh:TL) |
Đây được xem mô hình kinh tế tập thể thu hút được lực lượng lao động nhàn rỗi ở nông thôn Cần Giờ tham gia, góp phần cho công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Theo thống kê của Chi cục phát triển nông thôn Tp.HCM, từ năm 2011 đến tháng 6/2020, ngân sách thành phố đã hỗ trợ lãi vay cho các chủ đầu tư tại huyện Cần Giờ với kinh phí lên tới 179 tỷ 50 triệu đồng để phát triển mô hình nuôi tôm, nghêu, heo...
Nhờ được tiếp sức trên, nhiều HTX (trong số 12 HTX với 207 thành viên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp) của huyện Cần Giờ được đánh giá hoạt động hiệu quả và xếp loại tốt.
Trong đó, với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản có thể kể đến HTX Thuận Yến, HTX Long Hòa; ở lĩnh vực diêm nghiệp có HTX muối Thiềng Liềng, HTX nông nghiệp - dịch vụ - du lịch Nhạn Trắng.
Tuy nhiên, hoạt động của các tổ hợp tác và HTX ở Cần Giờ hiện nay (nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông sản sạch) vẫn còn không ít thách thức lớn.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Tp.HCM, tình hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Cần Giờ có rất nhiều sản phẩm tiềm năng như yến, cá dứa…
Tuy nhiên, thực tế trong quá trình nuôi trồng, sản xuất nông nghiệp, nông dân và HTX vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, điển hình như HTX Thuận Yến, HTX Cần Giờ - Tương Lai rất muốn phát triển các sản phẩm, thu mua các sản phẩm do người nông dân sản xuất ra.
Nhân rộng các mô hình hiệu quả
Tuy nhiên trên thực tế, một số HTX còn khó về vấn đề vốn, vấn đề trong quá trình sản xuất đối với việc xây dựng công trình phụ trợ còn vướng về mặt pháp lý.
Do đó, theo bà Lệ, người nông dân và HTX còn rất nhiều khó khăn trong thực hiện công việc của mình. Nhưng cũng cần ghi nhận sự cố gắng rất lớn của người nông dân hay của từng HTX và các HTX cũng mong muốn làm sao có thể thu mua và tiêu thụ thật nhiều sản phẩm của người nông dân.
Như chia sẻ của bà Lệ, các HTX ở Cần Giờ rất mong muốn trong thời gian tới, các ngành chức năng của Tp.HCM sẽ hỗ trợ cho HTX tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, có đầu ra sản phẩm phù hợp nhu cầu sản xuất của người nông dân cũng như của từng HTX.
Cần thấy rằng, nếu được hỗ trợ và gỡ khó kịp thời cho các tổ hợp tác và HTX thì sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng chất nông chất nông thôn mới ở Cần Giờ khi mà tính hiệu quả của các mô hình kinh tế tập thể ở đây khá đậm nét.
Cần Giờ đang hướng đến phát triển nông nghiệp đô thị (ảnh:TL) |
Cùng với sự góp sức của các HTX thì trong giai đoạn nâng chất nông thôn mới thì tính đến năm 2020 huyện Cần Giờ đã có 6/6 xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Hồi năm ngoái, thu nhập của người dân Cần Giờ đạt 58,524 triệu đồng/người/năm, tăng 3,9 lần so với năm 2010. Cách đây 10 năm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí 12 triệu đồng/năm là 43,63%, còn đến nay, trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia.
Sau khi nhiều xã đã hoàn thành các tiêu chuẩn trong chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn nâng chất, thời gian tới huyện Cần Giờ sẽ tập trung xây dựng nông thôn mới theo hướng tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp bền vững, công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp đô thị…
Trong năm 2020, huyện Cần Giờ tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, huyện sẽ đẩy mạnh hỗ trợ nông dân, chú trọng việc xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX, tổ hợp tác hiệu quả, tạo mô hình liên kết giữa nông hộ với doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác.
Nhất là huyện hỗ trợ về thông tin thị trường và xúc tiến thương mại để hình thành tổ liên kết sản xuất nhằm giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm, sản xuất hiệu quả và có giải pháp xây dựng tổ hợp tác tiến dần đến HTX.
Thanh Loan